(HNM) - Việc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho đóng dấu "vi phạm" lên trên những băng rôn quảng cáo một số chương trình biểu diễn nghệ thuật treo không đúng vị trí quy định đã nhận được sự ủng hộ của dư luận.
Trong Luật Giao thông đường bộ có điều khoản cấm treo các hình ảnh gây sự chú ý tại những khu vực có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc để hạn chế tai nạn. Nhưng văn minh nơi công cộng ở các đô thị không chỉ là băng rôn quảng cáo.
Ở Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn ở Việt Nam nói chung hằng ngày có thể tai nghe, mắt thấy những việc làm thiếu văn minh diễn ra tại nhiều tuyến phố. Ánh lửa hàn trên hè đường bất chợt lóe sáng, người đi đường không nhanh chóng quay mặt đi sẽ hỏng mắt mà phản ứng nhanh quá không quan sát xung quanh cũng rất dễ dẫn tới tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, tiếng máy khoan, máy cắt thép ầm ầm như "tiểu công trường" và thành phố có rất nhiều "tiểu công trường". Khi "chợ cà phê" buổi sáng ở phố Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, ngõ Báo Khánh… đông khách thì cũng là lúc các gánh hát rong xuất hiện. Họ là những thanh niên mắt sáng, khỏe mạnh và loa mở hết công suất khiến khách uống cà phê và dân hàng phố không chịu nổi. Trong số bài họ hát có nhiều bài thuộc danh mục cấm không được phổ biến trên sân khấu. Thực chất, họ là kẻ ăn xin trá hình. Vào buổi chiều, tại các quán bia hơi, họ lại mở loa gây ồn ã phố phường. Trên nhiều tuyến phố, các bác bán cà phê dạo, chị bán chiếu, anh mua đồ cũ… thay vì rao miệng, dùng loa mở oang oang ngay gần bệnh viện, công sở, trường học. Người này vừa đi, người kia lại đến gây ô nhiễm âm thanh. Dù chia sẻ với họ gánh nặng cơm áo nhưng không thể thông cảm khi âm thanh quá lớn làm đinh tai nhức óc.
Những việc làm đó không chỉ vi phạm Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ… mà còn vi phạm các quy định về trật tự văn minh công cộng ở đô thị. Không chỉ vi phạm luật họ còn làm cho thành phố trở nên lộn xộn, phản thẩm mỹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch nước ngoài một đi không trở lại, dẫn đến lượng khách vào Việt Nam giảm sút.
Để lập lại văn minh, Hà Nội từng mở chiến dịch hồi gia trẻ em đánh giày, ăn xin nhưng cũng như "bắt cóc bỏ đĩa". Cách đây mấy năm, thành phố mở đợt tổng lực tẩy xóa hình vẽ, chữ viết trên các di tích văn hóa quanh Hồ Gươm, Văn Miếu, bóc và phủ sơn lên quảng cáo, rao vặt trên tường, cột điện, tủ điện… với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên tình nguyện đã trả lại sự sạch sẽ cho bộ mặt phố phường. Để đáp ứng nhu cầu quảng cáo, rao vặt của cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp nhỏ, hầu hết các phường trên thành phố đều dựng biển ở vị trí thuận tiện, tuy nhiên chỉ một thời gian, vấn nạn này lại tái xuất hiện.
Tại sao những hành vi vi phạm luật pháp, vi phạm văn minh trật tự đô thị cứ diễn ra? Có nhiều nguyên nhân, ngoài sự vô ý thức, cố tình của cá nhân là mức xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Sự phối hợp giữa các đơn vị thiếu đồng bộ, ví dụ Sở Thông tin - Truyền thông yêu cầu nhà mạng cắt số điện thoại nhưng vì doanh thu nhà mạng lưỡng lự. Cũng chưa có cá nhân nào bị thanh tra đến tận đơn vị xử lý vi phạm… Và xong chiến dịch lại thiếu thanh tra, kiểm tra nên đâu lại vào đó.
Năm 2015, thành phố tiếp tục thực hiện "Xây dựng Thủ đô kỷ cương trật tự văn minh", thiết nghĩ sau việc xử lý vi phạm băng rôn quảng cáo, Sở Văn hóa - Thể thao và các cơ quan có trách nhiệm cần phối hợp xử lý mạnh các vi phạm văn minh nơi công cộng khác. Và phải tiến hành liên tục, chỉ có thế Hà Nội mới trở thành Thủ đô văn minh hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.