(HNM) - Những năm gần đây, tốc độ đô thị diễn ra nhanh chóng, dân số không ngừng gia tăng, gây áp lực lớn trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở thành phố, trong đó có vấn đề rác thải và xử lý rác thải. Thực tế, so với yêu cầu thì các khu xử lý rác trên địa bàn thành phố chưa thể đáp ứng được. Trong đó có thể thấy, mặc dù tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố hiện nay là khoảng 6.500 tấn/ngày, nhưng phần lớn được thu gom, xử lý bằng phương pháp chôn lấp...
Thực tế, so với yêu cầu thì các khu xử lý rác trên địa bàn thành phố chưa thể đáp ứng được. Trong đó có thể thấy, mặc dù tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố hiện nay là khoảng 6.500 tấn/ngày, nhưng phần lớn được thu gom, xử lý bằng phương pháp chôn lấp vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát vệ sinh môi trường. Ngay như Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) là nơi tiếp nhận, xử lý rác lớn nhất của thành phố cũng đã quá tải, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020.
Tương tự, dù Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn có hệ thống xử lý nước rác, nhưng việc chôn lấp vẫn tác động tiêu cực tới môi trường sống của người dân xung quanh... Thực trạng diện tích chôn lấp rác thải sinh hoạt của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, các khu xử lý tập trung của thành phố phải hợp nhất các ô chôn lấp làm tăng các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, thậm chí gây mất ổn định trật tự trong vùng ảnh hưởng...
Để khắc phục, việc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, sớm đưa vào vận hành hiệu quả có ý nghĩa quan trọng.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài nâng cấp, mở rộng 8 khu xử lý hiện có, thành phố thực hiện đầu tư mới 9 khu xử lý rác thải. Trong khi một số nhà máy đốt rác hoặc xử lý rác thành phân bón, song công suất xử lý nhỏ, công nghệ lạc hậu, thì vấn đề rác thải sẽ có thể được xử lý hiệu quả nhờ 4 dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Đáng tiếc là hiện tiến độ các dự án này vẫn chậm.
Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do chủ đầu tư chậm lập thiết kế, bố trí nguồn vốn; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. Về khách quan là các bộ, ngành, trung ương chậm phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện, cũng như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng để phục vụ các dự án...
Rõ ràng, trước thực trạng các bãi xử lý rác đang quá tải, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn vô cùng cấp thiết. Để các dự án nhà máy đốt rác thu hồi điện sớm được triển khai, đi vào hoạt động, ngoài sự nỗ lực của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, rất cần các bộ, ngành trung ương vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt hơn, nhất là trong hỗ trợ, hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục cần thiết…
Về phía các cơ quan chức năng trực tiếp có liên quan, phải bám sát tinh thần chỉ đạo của thành phố, tăng cường kiểm tra, rà soát các các dự án chậm tiến độ, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể để sớm tháo gỡ, xử lý, trước mắt là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Đối với các nhà đầu tư, cần đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, bố trí nguồn vốn để triển khai các dự án theo tiến độ. Cùng với đó phải bảo đảm cam kết về công nghệ xử lý rác tiên tiến trên thế giới (phát thải khí dioxin ít nhất, tỷ lệ chôn lấp chất trơ từ 5% trở xuống, có tỷ lệ phát điện cao nhất)…
UBND thành phố đã “chốt” thời gian khởi công, hoàn thành đi vào hoạt động đối với các chủ đầu tư dự án xử lý rác thải thu hồi điện. Quyết tâm đã rõ, đòi hỏi các cơ quan liên quan, chủ đầu tư cùng “xắn tay vào việc”, quyết liệt hơn để hoàn thành nhiệm vụ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.