(HNM) - Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh (LĐA) khu vực phía Bắc do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Hà Nội ngày 1-12, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để nghệ thuật thứ bảy phát triển và hội nhập, thì cũng có nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản nhằm không ngừng tạo đà cho điện ảnh đi lên.
Chuyển biến từ nội lực
LĐA có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007, cùng với đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LĐA vào năm 2009, Nghị định 54/2010/NĐ-CP ngày 21-5-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của LĐA và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LĐA, đã tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ và vượt bậc mang tính nội lực của nền nghệ thuật thứ bảy ở Việt Nam 10 năm qua.
Chỉ nói đến việc đầu tư trang bị phương tiện vận chuyển và máy chiếu phim cho các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các địa phương đã thấy chuyển biến mạnh. Chẳng hạn ở tỉnh miền núi Sơn La đang duy trì hoạt động của 26 đội chiếu bóng lưu động, chủ yếu chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Mỗi năm, tỉnh cấp cho hoạt động điện ảnh hơn 7 tỷ đồng nên máy móc, thiết bị khá tốt, đáp ứng chiếu phim công nghệ mới. Ở Nam Định, ngoài đội chiếu lưu động được đầu tư trang thiết bị tốt, tỉnh còn xây dựng 2 rạp chiếu phim hoạt động hằng ngày, trong đó có rạp cho học sinh, sinh viên với máy chiếu kỹ thuật số và HD tiên tiến. Hiện cả nước có 270 đội chiếu phim lưu động của các địa phương và 140 đội chiếu phim lưu động quân đội đang tích cực đưa điện ảnh về với từng cộng đồng dân cư, từ miền núi đến miền xuôi, từ biên giới ra hải đảo.
Ở các thành phố lớn, LĐA ra đời có sức ảnh hưởng lớn hơn, tạo cơ hội cho những rạp, cụm rạp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài nở rộ. Đến nay, cả nước có 450 doanh nghiệp tư nhân được sản xuất phim, trong đó có 15 doanh nghiệp sản xuất phim điện ảnh. Nếu trước chỉ có khoảng vài phim sản xuất một năm, thì theo thống kê trong năm 2016 không dưới 40 phim Việt Nam được phát hành.
Sửa đổi, bổ sung luật để tránh tụt hậu
Theo Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ VH-TT&DL) Hoàng Minh Thái, LĐA và Luật sửa đổi, bổ sung đến nay đã có nhiều lạc hậu, chồng lấn với nhiều luật khác ban hành gần đây, cần thiết phải đề xuất sửa đổi nhiều, thậm chí có những phần loại bỏ cả chương, điều. Những quy định mới phải phù hợp với cam kết quốc tế, lường trước những vấn đề mới trong phát triển điện ảnh như đô thị hóa thì cần tăng quỹ đất cho rạp chiếu phim, hay xây dựng rạp chiếu phim theo lứa tuổi…
Một vấn đề không mới, trở đi trở lại nhiều lần trong việc thực thi LĐA, đó là việc soạn thảo đề án xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh (quy định tại Điều 6, LĐA), cũng nằm trong cả "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Đề án tiến hành từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được hình thành. Lý do được Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan nêu là chưa xác định được nguồn thu ổn định để bảo đảm hoạt động.
Theo nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài là bổ sung quỹ từ doanh thu phòng vé. Tức là, các rạp chiếu phim cần trích khoản nhất định cho quỹ này theo doanh thu. Tuy nhiên, cần phải quy định cụ thể trong luật và phù hợp với cam kết hợp tác, nhất là đối với các rạp chiếu phim có vốn nước ngoài...
Nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định về cơ chế ưu đãi đối với hoạt động điện ảnh, chẳng hạn miễn, giảm thuế… để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này như kinh nghiệm của nước ngoài. Hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho nhân viên, kỹ thuật viên chiếu phim lưu động cũng chưa được quy định…
Nhìn chung, LĐA được thực thi đã mang đến sự chuyển mình cho điện ảnh nước nhà, phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người dân. Song, 10 năm qua, tình hình đất nước và quốc tế có nhiều thay đổi, cần thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế chung của thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.