Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ngừng nâng cao chất lượng môi trường

Hoàng Sơn| 26/04/2023 08:00

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Nhờ đó, chất lượng môi trường ở Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực. Kết quả này là tiền đề để thành phố tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng môi trường.

Nhà máy Điện rác Thiên Ý (huyện Sóc Sơn) có công suất 4.000m3/ngày-đêm. Ảnh: Hoàng Văn

Đã có những chuyển biến tích cực

Triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3-7-2017 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Thành phố phân công nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành, địa phương; đồng thời huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường. Trong đó, đã có 38 sở, ngành, quận, huyện, thị xã lập kế hoạch chi tiết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU và quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình.

Cùng với việc ban hành văn bản chỉ đạo, UBND thành phố đã chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách cho công tác bảo vệ môi trường. Trong hơn 5 năm qua, thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng triển khai các dự án cải tạo nguồn nước mặt các sông, hồ, xử lý rác thải, chất thải làng nghề và cải thiện chất lượng không khí... Bên cạnh đó, các sở, ngành thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường. Cụ thể, từ năm 2017 đến hết năm 2022, các cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra gần 12.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử phạt gần 7.000 trường hợp vi phạm về môi trường…

Cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU, các quận, huyện, thị xã cũng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Điển hình, huyện Phú Xuyên thường xuyên đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề để có biện pháp khắc phục. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn về quản lý môi trường cho cán bộ xã, thị trấn; hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại. Còn các huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Thường Tín đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất ký hợp đồng với công ty môi trường về thu gom, xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Theo Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đào Thị Anh Điệp, sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận đạt 100%; các huyện, thị xã đạt từ 95% đến 100% và tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt 99%. Ngoài ra, có 100% khu công nghiệp và 60,5% cụm công nghiệp đang hoạt động đã có trạm xử lý nước thải tập trung, góp phần giảm áp lực ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố...

Cải thiện theo hướng bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường ở thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, chất lượng môi trường nước mặt sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy vẫn còn ô nhiễm; nước thải sinh hoạt phần lớn chưa được thu gom, xử lý; việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn; việc di chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung còn chậm...

Để nâng cao chất lượng môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: Trong giai đoạn 2023-2025, thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU và Chương trình công tác số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII. Trong đó, thành phố giao các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; lập quy hoạch bảo vệ môi trường Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, lồng ghép với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiệm vụ trước mắt là khẩn trương hoàn thành đề án phân loại chất thải rắn tại nguồn và đưa vào triển khai; kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; xây dựng đề án phục hồi chất lượng môi trường 4 sông nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét); triển khai hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị, bảo đảm đến năm 2025 tỷ lệ nước thải đô thị ở Hà Nội được xử lý đạt 50-55%...

Ngoài ra, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín, với tổng vốn đầu tư khoảng 570 tỷ đồng; đồng thời, đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề, với tổng vốn đầu tư khoảng 8.900 tỷ đồng. Khi các dự án này hoàn thành, thành phố sẽ di dời các làng nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư để phấn đấu đến năm 2030 bảo đảm 100% làng nghề ở Hà Nội khắc phục được ô nhiễm môi trường.

Với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, chất lượng môi trường ở Thủ đô sẽ được cải thiện theo hướng bền vững.

Trong năm 2023, thành phố Hà Nội hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô, bảo đảm 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý; đưa vào vận hành 100% công suất (4.000m3/ngày - đêm) Nhà máy Điện rác Thiên Ý (huyện Sóc Sơn); đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Đốt rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) công suất 1.500 tấn/ngày - đêm..., góp phần giảm áp lực xử lý rác bằng hình thức chôn lấp, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không ngừng nâng cao chất lượng môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.