(HNM) - Nhận thức sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, Đảng bộ TP Hà Nội luôn coi trọng công tác dân vận, xác định trách nhiệm dân vận không chỉ của cấp ủy các cấp mà còn là của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Thành ủy đến các cấp ủy cơ sở đang tiếp tục hiện thực hóa tư tưởng, nhận thức đó.
Do làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đã hoàn thành vượt tiến độ, trở thành tuyến phố kiểu mẫu. |
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá: “Ở Hà Nội, công tác dân vận được cả hệ thống chính trị thực hiện. Đó là điểm mạnh của Đảng bộ Thủ đô”.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, hoạt động của hệ thống dân vận Hà Nội có nhiều đổi mới, chủ động, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đã rút ra nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện QCDC trong các loại hình mới.
Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng của trung ương, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp trong hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo hiểu rõ và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Công tác phối hợp và mối quan hệ giữa Ban Dân vận với MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp ngày càng chặt chẽ, nền nếp và hiệu quả hơn; thường xuyên tổ chức giao ban, thảo luận về những vấn đề trọng tâm, trọng điểm.
Cấp ủy các cấp chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối, phong cách làm việc theo hướng tập trung, quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp hướng mạnh về cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; phát huy dân chủ, đi liền giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện: nói đi đôi với làm. Cán bộ hệ thống dân vận các cấp được củng cố, kiện toàn. Công tác tham mưu giúp cấp ủy triển khai thực hiện sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Trung ương, của Thành ủy về công tác dân vận được thực hiện chủ động, kịp thời, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù khối lượng công việc lớn, đòi hỏi tiến độ gấp, nhưng đối với Ban Dân vận Thành ủy việc tham mưu để Thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo; ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận; chỉ đạo các đại hội đoàn thể, hội, tổ chức tôn giáo; xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy; kiểm tra QCDC ở cơ sở… đều được hoàn thành tốt. Ban Dân vận Thành ủy chủ trì phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tham mưu nội dung: Lãnh đạo phát huy vai trò của thanh niên góp phần xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô khởi nghiệp.
Chủ động ngay từ cơ sở
Đại hội XII của Đảng đã xác định “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả các quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”.
Hiện nay, các cấp, các ngành thành phố đang tập trung triển khai thực hiện 8 chương trình công tác của Thành ủy, 2 nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy cụ thể hóa 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Mỗi chương trình, nghị quyết muốn thực hiện có hiệu quả nhất quyết phải có sự đồng thuận của nhân dân. Ví dụ như thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, thời gian tới thành phố phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ 2.700 dự án, liên quan đến khoảng 80.000 hộ gia đình. Nếu không có được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, nhiệm vụ này không thể hoàn thành. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khi trao đổi về việc thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TU đã khẳng định, công tác dân vận phải chủ động làm trước, tạo đồng thuận từ đầu, ngay từ cấp cơ sở…
Công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ có tính chiến lược, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Thủ đô. Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới của Đảng, của Thủ đô càng đi vào chiều sâu, công tác dân vận càng quan trọng và cần thiết. Phát huy truyền thống 86 năm xây dựng, trưởng thành, hệ thống dân vận Thủ đô phấn đấu tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần xây dựng Thủ đô nghìn năm văn hiến ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.