(HNM) - Hiện nay, việc kinh doanh online (trực tuyến) đã trở nên phổ biến. Chỉ cần lướt web một vòng thì đầy đủ các mặt hàng từ gia dụng, làm đẹp, cho đến các loại thực phẩm chức năng, thuốc điều trị bệnh được rao bán.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là trong khi có doanh thu hàng chục tỷ đồng nhờ các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google…, nhưng nhiều cá nhân vẫn “quên” khai thuế cho thấy những bất cập trong chính sách để kiểm soát tình hình này. Việc Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thời quan qua đã truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế của hai người có thu nhập 70 tỷ đồng từ việc bán một trò chơi trên Facebook và Google nhưng “quên” kê khai thuế là ví dụ cụ thể.
Các trang như Facebook, Google, Instagram… đang trở thành kênh kinh doanh online hiệu quả. Người bán hàng có thể sử dụng tài khoản cá nhân và fanpage để kinh doanh buôn bán. Thậm chí, một số người được công chúng biết tới, có nhiều người theo dõi còn giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức viết status (trạng thái) hay livestream (phát sóng trực tiếp) để kiếm lợi cũng không kê khai nộp thuế.
Theo cơ quan quản lý, những việc làm như vậy không dễ để truy thu thuế, vì xác định doanh thu từ bán hàng qua mạng đã khó, xác định nội dung livestream đó có thu lợi cho người thực hiện hay không càng khó hơn. Thêm vào đó, Facebook hiện không thuộc đối tượng pháp luật Việt Nam có thể điều chỉnh vì mạng xã hội này không có bất kỳ hình thức hiện diện thương mại nào tại nước ta. Việc này khiến cơ quan quản lý khó yêu cầu Facebook cung cấp thông tin của người bán hàng.
Rõ ràng, việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua các trang mạng xã hội là việc không dễ dàng, song không vì thế mà cơ quan quản lý được bỏ ngỏ. Theo quy định, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Bởi vậy, nhằm chống thất thu ngân sách, tạo sự công bằng, bình đẳng cho các chủ thể kinh doanh trên thị trường, cần có những sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Quản lý thuế để phù hợp với tình hình phát triển nhanh chóng của hình thức kinh doanh qua mạng xã hội trong xu thế kinh tế số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.