Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không mở rộng hình thức vận động bầu cử

Hà Phong| 26/02/2015 06:50

(HNM) - Sáng 25-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 35 sáng 25/2. Ảnh: TTXVN.


Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND. Nội dung Ban soạn thảo đề xuất nhận được sự nhất trí cao là: Cấm dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri; không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, cùng với quy định giới hạn hai hình thức vận động bầu cử là gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, việc thực hiện nghiêm túc các điều cấm nêu trên sẽ bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa những người ứng cử, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử.

Về thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, để bảo đảm tiết kiệm, không cồng kềnh bộ máy mà vẫn có thể chỉ đạo toàn bộ công tác bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi QH xác nhận tư cách ĐBQH. Với các đề nghị linh hoạt thời gian kết thúc bỏ phiếu trong tình huống khu vực bầu cử đã đủ 100% cử tri đi bầu, qua thảo luận các đại biểu đánh giá việc cho phép kết thúc sớm việc bỏ phiếu có ưu điểm tiết kiệm thời gian, công sức nhưng dễ dẫn đến việc thúc ép cử tri đi bầu sớm hoặc làm gia tăng tình trạng bầu hộ, bầu thay, ảnh hưởng quyền bầu cử của công dân. Mặt khác, việc kết thúc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu sớm có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu khác. Do đó, chỉ nên cho phép kết thúc sớm việc bỏ phiếu tại khu vực đã có 100% cử tri đi bầu, nhưng không được kết thúc trước 14h cùng ngày; hòm phiếu tại nơi kết thúc bầu cử sớm phải được niêm phong và chỉ kiểm phiếu khi hết thời gian bỏ phiếu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban soạn thảo cần chuẩn bị kỹ dự thảo, có những lập luận đánh giá cụ thể đối với từng nội dung UBTVQH thảo luận, sau đó xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Cơ quan trình dự thảo luật, Hội Luật gia Việt Nam, cho biết, trưng cầu ý dân đã là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 58 điều; quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc trưng cầu ý dân, người có quyền biểu quyết trưng cầu ý dân, những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, giám sát trưng cầu ý dân và kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân và những hành vi bị nghiêm cấm... Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH đồng ý với quan điểm cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ, được công bố để thi hành khi quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân gồm: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng.

Hôm nay 26-2, UBTVQH tiếp tục phiên họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không mở rộng hình thức vận động bầu cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.