(HNM) - Việc phát hiện qua báo cáo của cục thuế nhiều địa phương năm 2011 nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh, doanh thu tiếp tục tăng hằng năm nhưng vẫn báo cáo quyết toán tài chính lỗ để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang khiến dư luận chú ý.
Cách làm quen thuộc của các doanh nghiệp này là thông đồng nội bộ giữa doanh nghiệp trong nước (công ty mẹ) và doanh nghiệp ở nước ngoài (công ty con) của họ để nâng cao các chi phí đầu vào như thiết bị máy móc, tiêu hao vật tư, giá nguyên vật liệu, linh kiện để đội giá thành sản phẩm cao hơn thực tế, khi bán thì bán cho các đơn vị trực thuộc ở những vùng, khu vực có thuế suất TNDN thấp hơn Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, hiện có 1.200 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở nước ta có hiện tượng gian lận thuế này. Qua kiểm tra bước đầu ở 500 doanh nghiệp thuộc diện trên, các cơ quan thuế đã xuất toán giảm lỗ 3.600 tỷ đồng, tăng thuế TNDN 1.200 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục được rà soát. Hiện tượng chuyển giá rồi báo lỗ, từ đó trốn thuế TNDN ở các doanh nghiệp FDI không phải năm nay mới diễn ra. Cũng theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trước những biểu hiện bất minh, năm 2009-2010, Tổng cục Thuế đã mời 40 doanh nghiệp làm việc để cùng thẩm tra các báo cáo tài chính. Sau việc này, đã có 1.342 doanh nghiệp FDI báo cáo lãi/năm. Điều này chứng tỏ nếu việc kiểm tra, kiểm soát tài chính cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chặt chẽ hơn, Nhà nước sẽ không thất thu một khoản thuế lớn?
Sự lách luật để trốn thuế của các doanh nghiệp FDI phải được coi là một hành vi thiếu trung thực, nhưng đáng lo ngại là điều đó lại thường xảy ra trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu của nước ta hiện nay. Nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào Việt Nam, mục đích đầu tiên và quan trọng nhất là tìm kiếm lợi nhuận. Để có lợi nhuận cao, họ sẵn sàng lách luật, báo cáo gian dối, chây ỳ trước những đòi hỏi phải đầu tư lớn (như nội địa hóa hàng lắp ráp trong nước, bảo vệ môi trường) và các thủ đoạn khác. Trước những hành vi như vậy, các cơ quan pháp luật Việt Nam cần kiên quyết, kiên trì làm rõ đúng sai, vừa tránh thất thoát nguồn thu thuế vừa tạo điều kiện để đối tác trung thực, minh bạch, phát triển sản xuất, có lợi cho cả hai bên.
Thực trạng trên cho chúng ta thêm kinh nghiệm và cả bài học trong quá trình hội nhập. Chúng ta mở rộng cửa cho nước ngoài vào đầu tư, trước hết vì lợi ích của nước ta, nên càng không thể tùy tiện "mở cửa" bằng mọi giá, cần lựa chọn nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư để chúng ta có lợi nhất và cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Việt Nam. Đó là cơ sở cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.