Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lơi lỏng kiềm chế lạm phát

Theo VGP News| 24/07/2011 18:13

Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương không lơi lỏng việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì đà tăng trưởng ở mức hợp lý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2011. Ảnh: Chinhphu.vn

Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương không lơi lỏng việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì đà tăng trưởng ở mức hợp lý.

Ngày 24/7, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ họp phiên thường kỳ nhằm đánh giá tình KT- XH tháng 7 và 7 tháng vừa qua, đồng thời thống nhất các biện pháp chỉ đạo và điều hành trong các tháng còn lại của năm 2011.

Đây là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII.

Mở đầu phiên họp, thay mặt tập thể Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa, chúc mừng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ngân sách của Quốc hội.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự đóng góp của các đồng chí trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ.

Thay mặt các thành viên Chính phủ vừa nhận nhiệm vụ mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là niềm vui, niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định trên cơ sở kinh nghiệm 15 năm công tác tại Chính phủ sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ mới được giao, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực công tác, trình độ, phẩm chất để xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm đã dần đi vào ổn định, các thành viên Chính phủ cho rằng kinh tế - xã hội đất nước đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra khi đạt hơn 51 tỷ USD trong 7 tháng qua.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công-nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá cao, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 mặc dù tăng 1,17% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các tháng đầu năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao là do giá cả một số mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước tăng cao, nhất là các sản phẩm chăn nuôi.

Chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được các cấp, các ngành thực hiện tốt, như hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho hơn 850.000 người.

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 16,9 nghìn tấn lương thực và 9,2 tỷ đồng…; tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống cho nhân dân… Việc thăm hỏi và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ nhân Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 được tổ chức cho đáo.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ nhận định, từ nay đến cuối năm, sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Giá cả hàng hóa và tình hình thị trường thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, thiên tai, lụt bão có thể xảy ra nhiều hơn trong các tháng tới, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, với lãi suất cao cũng gây khó khăn cho việc vay vốn tín dụng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tập trung kiềm chế lạm phát

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Trong tháng 7/2011, kinh tế - xã hội dần đi vào ổn định. Lạm phát đang được kiềm chế; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh vẫn ổn định; kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra; nhập siêu có xu hướng giảm mạnh; thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách nhà nước giảm, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu du lịch - dịch vụ tăng mạnh. An sinh xã hội được chú trọng; công tác giải quyết việc làm, bảo đảm ổn định đời sống luôn được quan tâm. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tư, an toàn xã hội được giữ vững.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung một số giải pháp trọng tâm sau.

Trước hết, tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý như đã nêu trong các Nghị quyết điều hành của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 11; thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ; đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng; giảm dần lãi suất cho vay.

Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời, tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; khẩn trương tăng số lượng con giống, ổn định giá thức ăn chăn nuôi…bảo đảm đáp ứng nhu cầu, không để thiếu hàng, sốt hàng, giá thực phẩm tăng cao hoặc diễn biến bất thường. Chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai dịch bệnh.

Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo đảm bảo điện cho sản xuất, khởi công các công trình trọng điểm, cấp bách của đất nước. Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chú trọng việc đảm bảo an toàn giao thông; xử lý triệt để các điểm đen và hạn chế, đẩy lùi các vụ tai nạn giao thông.

* Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến hoàn thiện Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các thành viên Chính phủ khóa XII đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và nghiêm túc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Song Chính phủ khóa XIII cần làm tốt hơn việc phân định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, tránh trùng dẫm, nhất là phải cải tiến, đổi mới mạnh mẽ công tác dự báo kinh tế - xã hội. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng cần chú trọng công tác cung cấp thông tin đến các tầng lớp nhân dân phải chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, đầy đủ hơn. /.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không lơi lỏng kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.