(HNM) - Với tình hình chăn nuôi ổn định như hiện nay cộng với dịch bệnh ở đàn gia súc gia cầm (GSGC) trên địa bàn cả nước đã được khống chế, Bộ NN&PTNT khẳng định nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường Tết Nhâm Thìn không thiếu và giá cả sẽ ổn định, không tăng mạnh như các năm trước.
Bộ NN&PTNT dự báo nhu cầu thực phẩm dịp Tết 2012 sẽ không tăng đột biến. Ảnh: N. Ý
Nguồn cung dồi dào
Bộ Công thương nhận định, nhu cầu tiêu thụ thịt GSGC dịp Tết Nhâm Thìn có khả năng tăng 15-20% so với bình thường, tăng hơn 40.000 tấn. Trong khi sản lượng thịt cả nước chỉ tăng thêm 10.000-15.000 tấn, như vậy nguồn cung thịt trong nước sẽ thiếu từ 25.000-30.000 tấn. Tuy nhiên, ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nguồn cung thịt cho thị trường Tết Nhâm Thìn sẽ không thiếu, trên thực tế những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ thịt vào dịp Tết trên cả nước không còn tăng đột biến. Năm 2010, mức tăng chỉ 10 - 15%, hơn nữa thị trường thịt mở cửa bán hàng rất sớm, từ mùng 2 Tết, người dân không mua tích trữ nhiều. Hiện, chăn nuôi trong nước đang gặp thuận lợi và tính đến ngày 27-12, dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh trên cả nước được khống chế. Trong khi đó tất cả các sản phẩm chăn nuôi đều tăng về sản lượng, tổng lượng thịt tăng 8%-10%. Tính đến ngày 27-12, đàn lợn cả nước đạt 27,5 triệu con, đàn bò 5,9 triệu con, đàn gia cầm 335 triệu con. Với số lượng này, sản lượng thịt trong tháng 12 của nước ta sẽ đạt 403.000 tấn, trong đó thịt lợn là 300.000 tấn, thịt gia cầm 65.000 tấn, thịt trâu, bò là 38.000 tấn. Do đó, nguồn cung thịt thực phẩm cho thị trường Tết Nhâm Thìn sẽ không bị thiếu hụt.
Theo ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội), dịp Tết Nguyên đán năm nay, nguồn cung thực phẩm do người chăn nuôi Thủ đô cung cấp ra thị trường sẽ không có biến động lớn. Năm 2011, tổng đàn lợn của Hà Nội có trên 1,5 triệu con; đàn gia cầm 18.228 nghìn con, tăng 5,6% so với năm 2010. Sản lượng trứng gia cầm đạt gần 616.000 quả, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, đàn GSGC của Hà Nội vẫn ổn định về số lượng, an toàn dịch bệnh bảo đảm, sẽ cung cấp khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ GSGC cho người dân TP.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (Thanh Oai) cho biết, doanh nghiệp (DN) cũng đang gấp rút cho kế hoạch chuẩn bị cung ứng cho thị trường một khối lượng lớn hàng hóa trong dịp Tết. Dự kiến DN Minh Hiền sẽ cung cấp số lượng tăng gấp 2 lần so với những tháng trước, khoảng 150 tấn thịt lợn, hơn 20 tấn thịt gà, 10 tấn thịt bò cho hệ thống các siêu thị Metro, BigC, Citimarket… Theo bà Hiền, với nguồn dự trữ của các DN kinh doanh thực phẩm trong nước cộng với các trang trại chăn nuôi khu vực ngoại thành đang dồn lực chăm sóc đàn lợn, đàn gia cầm để cung ứng cho thị trường, chắc chắn thực phẩm phục vụ Tết sẽ không thiếu. Còn ông Lê Đình Phượng, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Foodex (Đan Phượng) khẳng định, dự kiến năm nay DN sẽ cung cấp cho thị trường Tết 200-300 tấn thịt các loại. Hiện, ngoài hợp đồng với các TT chăn nuôi lớn trên địa bàn Hà Nội, DN Foodex đang tích cực mua hàng dự trữ với số lượng khoảng 10 tỷ đồng ở các TT chăn nuôi các tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh… để đủ lượng hàng cung ứng cho thị trường Tết.
Anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hòa Mỹ (Ứng Hòa) cho biết, những tháng áp Tết thường nhu cầu sử dụng thực phẩm người tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10-20%, nên chắc chắn thị trường tiêu thụ sẽ thuận lợi. HTX sẽ cung cấp cho thị trường 70-80 tấn thịt lợn, tăng gấp 3 lần so với các tháng trước. Theo anh Thanh, nguồn cung thực phẩm Tết năm nay sẽ không thiếu vì hầu hết các trang trại đều tích trữ hàng để bán. Tùy vào quy mô và diện tích nuôi nhưng lượng thịt cung cấp ra thị trường sẽ tăng hơn 2-3 lần so với các tháng trước đó.
Giá chỉ tăng 2-3%
Theo ông Hoàng Kim Giao, quy luật hằng năm giá thực phẩm từ nay đến cuối năm có khả năng sẽ tăng nhưng không tăng đột biến bởi nguồn hàng đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước. Do đó, giá cả sẽ chỉ giữ ở mức như hiện nay hoặc tăng nhẹ 2-3%. Giá thịt gà công nghiệp ra Tết sẽ giảm, bởi hiện nay nuôi gà chỉ từ 35-40 ngày là xuất chuồng. Giá lợn hơi có thể biến động chút ít nhưng khó vượt qua mức đỉnh điểm gần 70.000 đồng/kg như tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Hiện nay, giá thịt lợn hơi đang dao động ở mức trên dưới 58.000 đồng/kg, đến Tết chỉ dao động ở mức 60.000 - 62.000 đồng/kg. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần thông báo, hiện các mặt hàng dự trữ của các DN kinh doanh thực phẩm chuẩn bị cho dịp Tết đều tăng. Ví dụ ở TP Hồ Chí Minh, dự trữ thịt gia súc tăng 136%, thịt gia cầm 146%, trứng gia cầm tăng 161%. Cùng với chăn nuôi ổn định vào cuối năm (tăng từ 12 đến 15% so với cùng kỳ) nguồn cung sẽ không thiếu và giá cả không còn sốt mạnh như các năm. Vấn đề là phải điều tiết, phân phối hợp lý, để không xảy ra tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu gây "sốt" giá cục bộ. Để tránh tình trạng tư thương lợi dụng thị trường Tết tăng giá quá mức, phải có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra về giá, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người tiêu dùng và người chăn nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.