(HNM) - Cần luật hóa chi tiết việc lấy phiếu tín nhiệm để không chỉ
Vấn đề này được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm hàng đầu khi Quốc hội (QH) thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi vào chiều 22-10.
Vấn đề lấy phiếu tín nhiệm và điều chỉnh thẩm quyền của đại biểu Quốc hội được các đại biểu rất quan tâm. Ảnh: Duy Linh |
Tín nhiệm thấp phải từ chức
Đề cập đến vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý khẳng định, phương án tối ưu hiện nay là người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì UBTVQH báo cáo QH bỏ phiếu tín nhiệm. Song ĐB Lê Đắc Lâm (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, nên thay đổi từ "không tín nhiệm có thể từ chức" thành "phải từ chức" để thể hiện tính khẳng định của dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi. Còn theo ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), chính những người trong cuộc không khỏi lo lắng về tác động của cuộc lấy phiếu tín nhiệm nhưng cũng nhiều ý kiến khẳng định, nếu người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì cần quy định thêm người này nên từ chức.
Quá trình thảo luận, nhiều ĐBQH còn cho rằng, cần bổ sung quy định về sự tham gia của MTTQ Việt Nam vào quá trình lấy phiếu tín nhiệm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ giám sát cán bộ, công chức, đại biểu dân cử của tổ chức này. Mặt khác, ĐBQH cần đầy đủ thông tin về chức năng, nhiệm vụ cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu. Việc này không thể chỉ dựa vào báo cáo của người được lấy phiếu. Mặt khác, qua tổng hợp ý kiến, nắm tâm tư của ĐBQH, cũng có ý kiến băn khoăn tương tự, chủ yếu liên quan đến việc làm thế nào để đánh giá bỏ phiếu cho đúng và trúng nguyện vọng của nhân dân. Nhấn mạnh đến việc ĐBQH cần chịu sự giám sát của cử tri, ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) kiên trì nêu kiến nghị của ông và không ít ĐBQH đã nêu nhiều lần, đó là việc biểu quyết công khai. Ông Dương Trung Quốc phân tích, nên quy định QH biểu quyết công khai để cử tri có thể biết được người đại diện cho mình có thể hiện đúng quan điểm của đa số cử tri hay không.
Mở rộng thẩm quyền của đại biểu Quốc hội
Một vấn đề nữa được ĐBQH đặc biệt quan tâm, đó là điều chỉnh thẩm quyền của ĐBQH bảo đảm phù hợp với tình hình nghị trường hiện nay. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng), quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của ĐBQH đã có nhưng thời gian qua việc xử lý những kiến nghị còn hạn chế và chưa theo một quy trình cụ thể. ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị cần làm rõ trường hợp nào là kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, trường hợp nào là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trong trường hợp ĐBQH hay một cơ quan thuộc QH không tín nhiệm thành viên Chính phủ thì kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Quy định như vậy mới phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của ĐBQH. Cũng không nên giới hạn ĐBQH chỉ kiến nghị vấn đề tín nhiệm mà phải mở rộng đối với tất cả vấn đề quan trọng của quốc gia.
Dẫn thực tế, với ĐBQH có tuổi đời trẻ: 25-26 tuổi, muốn kiến nghị đồng chí Chủ tịch tỉnh để thay đổi việc này, việc kia thì rất khó, ĐB Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cũng đồng tình cần quy định quyền hạn tương xứng và nguyên tắc hoạt động cụ thể cho ĐBQH. ĐB Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) cho rằng: "Đại biểu QH phải có quyền yêu cầu cơ quan đứng đầu giải thích, làm rõ những khiếu nại, tố cáo của người dân, tổ chức. Nếu chưa thỏa đáng thì được yêu cầu các đơn vị cấp cao hơn nữa xem xét giải quyết".
Song, ở chiều ngược lại, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) thẳng thắn nhận định, ngoài bổ sung quyền của ĐBQH, phải quy định rõ trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các ĐBQH để làm căn cứ cho cử tri đánh giá, lựa chọn khách quan và để chính các ĐBQH đánh giá lẫn nhau. Các quy định này trong dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi còn khá chung chung, không khác nhiều với việc đánh giá công chức. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị, tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách còn phải cao hơn ĐBQH không chuyên trách. ĐBQH chuyên trách không chỉ cần chuyên môn, trình độ mà ít nhất đã phải tham gia QH một kỳ thì mới đủ kỹ năng làm ĐB chuyên trách. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) đề xuất, ngoài nâng cao trình độ năng lực, chuyên nghiệp hóa hoạt động của ĐBQH thì cần quy định số thời gian các ĐBQH dành cho việc tiếp dân, hoạt động trong các cơ quan của QH.
ĐBQH Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội): ĐBQH chuyên trách phải từ 35% trở lên Ngoài nâng cao chất lượng ĐBQH, tôi cho rằng, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách phải từ 35% trở lên là hợp lý. Ban soạn thảo dự thảo Luật Tổ chức QH cũng cần nghiên cứu, quy định thêm tỷ lệ ĐBQH không phải là cán bộ, công chức để tăng tính độc lập, phản biện trong hoạt động dân biểu. Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH Đỗ Văn Đương: Nhận định, đánh giá thể hiện tầm của ĐBQH Tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ ĐBQH phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Khi ĐBQH phát biểu và bấm nút quyết định vấn đề quan trọng của đất nước thì phải đứng trên lập trường lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân. Mặt khác, những nhận định, đánh giá cụ thể cũng thể hiện cái tầm và sự am hiểu vấn đề của ĐBQH. Bách Senghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.