Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không kiên quyết, nhiều người sẽ khổ

Dục Tú| 05/05/2014 05:55

(HNM) - Ít ngày trước, thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra lời cảnh báo về tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, dội về Việt Nam.



Thông báo này dựa trên kết quả khảo sát tình trạng kháng thuốc tại 114 quốc gia - điều đã dẫn các chuyên gia của WHO tới nhận định rằng mối đe dọa từ sự kháng thuốc đã trở nên nghiêm trọng, không phải là hiểm họa tương lai mà đang diễn ra rộng khắp. Trong bản thông báo phát đi sau đó, đại diện WHO cho rằng, nếu không có sự phối hợp hành động một cách kiên quyết, tức thời, thế giới sẽ phải đối mặt với hệ lụy khó lường, quan trọng nhất là nguy cơ tử vong ngay cả khi mắc bệnh truyền nhiễm thông thường, thậm chí chỉ vì những vết thương nhỏ.

Mỗi quốc gia có thể có sự đón nhận lời cảnh báo một cách khác nhau. Với Việt Nam, dù vấn đề không mới nhưng đó là sự cảnh báo đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhấn mạnh một lần nữa về nguy cơ và hậu quả xấu xảy ra nếu tình trạng kháng thuốc không được hạn chế, bằng giải pháp quản lý ngành y và tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc. Nói vậy là bởi tại nước ta, việc sử dụng thuốc chữa bệnh không được kiểm soát chặt chẽ. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ ai cũng có thể tự mua thuốc để dùng, bao gồm cả thuốc kháng sinh. Rất nhiều người không mua thuốc theo đơn, phó mặc sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình cho người bán thuốc ngay cả khi đã nhận được sự cảnh báo, rằng phía kinh doanh thuốc có thể vì lợi nhuận mà "kê" đơn thuốc có liều lượng vượt quá yêu cầu. Đó là chưa kể hiện tượng bác sĩ trong các bệnh viện cũng kê đơn thuốc không phù hợp, do chẩn đoán sai và có thể do "dụng ý khác". Vào tháng trước, tại hội nghị y tế thường niên của một bệnh viện ở phía Nam, một báo cáo dựa trên kết quả khảo sát tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện và sử dụng kháng sinh không hợp lý được tiến hành trong vòng một năm đã được công bố. Theo đó, trong tháng 8 và 9-2012, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các khoa ngoại thuộc bệnh viện này lên tới 28%. Sự không hợp lý bao gồm thời gian sử dụng kháng sinh của bệnh nhân quá dài so với yêu cầu, không có chỉ định dùng kháng sinh và sử dụng kháng sinh sai. Hậu quả của sự "không hợp lý" có thể là kháng thuốc, tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí sử dụng kháng sinh, tăng tỉ lệ tử vong.

Việc người bệnh có thể tự mua thuốc uống một cách thoải mái là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở Việt Nam, cần phải có giải pháp quản lý ở mức độ quyết liệt và khả thi hơn là những gì ta đã và đang thực hiện. Những mục tiêu cần hướng tới bao gồm nhiều cấp độ. Lý tưởng nhất là giảm sự phụ thuộc vào kháng sinh và các loại thuốc đặc trị bằng cách thực hiện tốt chương trình tiêm chủng, cải thiện chất lượng môi trường sống, môi trường bệnh viện, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Những mục tiêu gần gũi, thực tế hơn trong bối cảnh hiện nay là kiên quyết siết chặt quy trình kiểm soát việc mua - bán thuốc và sử dụng thuốc - cả ở thị trường tự do cũng như trong các cơ sở y tế. Việc quan trọng không kém là xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược truyền thông liên quan đến yêu cầu sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh và hậu quả có thể xảy đến nếu như việc sử dụng thuốc không dựa trên chỉ định đúng của bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không kiên quyết, nhiều người sẽ khổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.