Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Không gian văn hóa Việt”: Một thử nghiệm với nhiều hy vọng

An Nhi| 18/01/2010 06:50

(HNM) - Cuối tuần qua, Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam đã khai trương hệ thống trưng bày, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật mang tên

"Không gian văn hóa Việt" trải rộng trên hơn 3.000m2 và được tổ chức khá lạ đối với khán giả Việt. Nơi đây giống như một tác phẩm tổng hợp các loại hình nghệ thuật giữa lòng Thủ đô. NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam giới thiệu: "Đây không chỉ là điểm biểu diễn ca múa nhạc mà nhà hát còn kết hợp cả trưng bày tranh, ẩm thực, thư giãn…".

Tiết mục trong chương trình “Đồng vọng Kinh kỳ”. Ảnh: Đình Toàn


Tòa nhà 16 Lê Thái Tổ được xây dựng từ năm 1909, từng là nơi giao lưu của Hội Khai trí Tiến Đức, CLB Thống Nhất… "Khi nhận bàn giao, tòa nhà này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Gần một năm, với sự hỗ trợ của bộ, sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và TP Hà Nội, anh em cán bộ, nghệ sĩ đã nỗ lực hết sức để hoàn thành "không gian" trước Tết đón khán giả", NSND Trần Bình cho biết.

Với lối kiến trúc của Pháp, hình mũi thuyền của "Không gian văn hóa Việt" sang trọng, nổi bật giữa ngã ba Hàng Trống và Lê Thái Tổ. Gồm 4 hạng mục chính: Khu triển lãm tranh, hội thảo, bày bán các đồ thủ công mỹ nghệ, giới thiệu du lịch rộng rãi và đẹp mắt. Nhà hát Lam Kinh - là khán phòng sang trọng để biểu diễn loại hình nghệ thuật đương đại, thính phòng. Với hơn 300 chỗ ngồi sắp xếp theo lối phòng trà, nhà hát giúp khán giả có thể thưởng thức nghệ thuật và được phục vụ ăn uống nhẹ. Khu ẩm thực - nhà hàng Lục Thủy ấm áp với tiếng nhạc dịu nhẹ cùng các món ăn đậm chất Hà Nội xưa. Xung quanh là khu nhà vườn tươi tắn… đang gấp rút để ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán; khu biểu diễn lưu động ngoài trời là một sân khấu hình bán nguyệt dành cho nghệ thuật truyền thống: chèo, ca trù, quan họ, hát văn, rối cạn…

Đồng vọng Kinh kỳ

Chương trình nghệ thuật đầu tiên khai màn Nhà hát Lam Kinh mang tên "Đồng vọng Kinh kỳ" - một "đặc sản" của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam vừa tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Đem đến "thiên truyền thuyết" về Hà Nội xưa và nay, chương trình gợi nhớ đến kinh kỳ một thuở qua nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian, ca trù: "Đàn cầm dây vũ dây văn" (Thái Thùy Linh trình bày), "Thư pháp" (Tuấn Phương biểu diễn), "Truyền thuyết hồ Gươm" (giọng ca Tuấn Hiệp), "Hồng hạc Tây Hồ" (múa)… Được đầu tư lớn, cả trong thiết kế trang phục, sân khấu và biên đạo, nhưng "Đồng vọng Kinh kỳ" cũng chỉ biểu diễn vài buổi để dành chỗ cho các chương trình khác của các đoàn nghệ thuật TƯ, Hà Nội trong số 4 buổi "sáng đèn" một tuần của không gian này.

Phòng tranh hiện đang trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Hoàng Hà Tùng (cũng là người của nhà hát). Nổi bật là tác phẩm "Tranh quê" bằng sơn mài gồm 12 bức dài 24m, bao hết 3 mặt tường. Với hình ảnh theo dòng chảy đời người, tác giả thể hiện sự am hiểu tường tận văn hóa Việt. "Ô Quan Chưởng" là một trải nghiệm mới với sáng tác kiểu bình phong 2 mặt bằng sơn mài. Đó là hình ảnh thân thương và nhiều cảm xúc. Mặt trước là hình ảnh cổ kính còn mặt sau, tác giả tái hiện chân thực đời sống Hà thành.

Được sắp xếp một cách hợp lý, đầy mĩ cảm, "Không gian văn hóa Việt" hứa hẹn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhiều đối tượng khán giả. Song NSND Trần Bình khẳng định, đối tượng phục vụ chủ yếu là người Việt Nam. Với mô hình này, 1 năm nữa dự định sẽ là thời điểm để nhà hát bứt ra, tự chủ về tài chính. Một mô hình mới có nhiều điều thuận lợi, con đường "xã hội hóa" này có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào sự đón nhận của công chúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Không gian văn hóa Việt”: Một thử nghiệm với nhiều hy vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.