Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không gian đô thị xanh phía Nam Hà Nội

Phương Nhi| 18/12/2017 07:35

(HNM) - Phía Nam Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ với hạ tầng giao thông được nâng cấp và xây mới. Cùng với đó là nhiều dự án đô thị được hình thành có cảnh quan, kiến trúc hiện đại, được các chủ đầu tư kiến tạo theo hướng thân thiện với môi trường.

Quần thể đô thị Gamuda City nằm cạnh Công viên Yên Sở, công viên đô thị lớn nhất Hà Nội.


Từ việc đồng bộ hạ tầng giao thông...

Hà Nội đang đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng giao thông, tiện ích công cộng khu vực phía Nam thành phố. Các trục đường chính được đầu tư nâng cấp, như tuyến đường huyết mạch Giải Phóng - Ngọc Hồi, quốc lộ 1A, đường cao tốc trên cao, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ... Cuối tháng 6-2017, thành phố cho phép xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai (Vành đai 2) đến đường Vành đai 2,5 nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai. V

ới chiều dài khoảng 1,65km sẽ được xây mới, tuyến đường này trở thành trục đường đô thị chính kết nối các tuyến nội đô với các tuyến vành đai đi ra các tỉnh lân cận. Cùng với đó, việc mở rộng đường Tam Trinh lên 50m sẽ giải quyết những khó khăn trong đi lại của người dân, góp phần cải thiện đáng kể hạ tầng đô thị. Dự kiến, các tuyến này sẽ hoàn thành trong năm 2020...

Theo ông Giang Chí Trung, Trưởng ban Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai, với hàng loạt tuyến đường huyết mạch được đầu tư, cư dân khu vực phía Nam Thủ đô có thể di chuyển dễ dàng đến bất kể địa điểm nào trong khu vực thành phố, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, đây cũng là một yếu tố giúp thị trường bất động sản khu vực phía Nam nâng tầm vị thế của mình.

... đến phát triển không gian đô thị xanh


Cùng với việc mở rộng các tuyến đường giao thông chính, nhiều khu đô thị đã hình thành ở phía Nam thành phố. Đáng chú ý là các khu đô thị này đã phát huy lợi thế của kiến trúc cảnh quan với nhiều đầm, hồ tự nhiên (như hồ Linh Đàm, Yên Sở, hồ Đền Lừ, đầm Đỗi, đầm Lớn…) để phát triển đô thị xanh. Có thể kể đến quần thể đô thị Gamuda City nằm cạnh Công viên Yên Sở, công viên đô thị lớn nhất Hà Nội, nơi người dân được tận hưởng cuộc sống với môi trường trong lành, yên bình.

Theo ông Cheong Ho Kuan, Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam, việc đầu tư cải tạo Công viên Yên Sở được Gamuda Land tiến hành trước khi phát triển Khu đô thị Gamuda Gardens, nhằm tạo ra không gian sống lý tưởng ngay trong lòng Thủ đô. Cùng với đó là Khu đô thị Hồng Hà Eco City (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) với 70% trong tổng diện tích 16,7ha được dành cho hạ tầng giao thông và cây xanh cảnh quan, tiếp thêm điểm nhấn nữa trong việc phát triển đô thị xanh.

Rõ ràng, việc phát triển các khu đô thị xanh, công trình xanh đã và đang mang lại nhiều giá trị cho người sử dụng, tuy nhiên theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam thì phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên. Trong khi đó, thế giới đã chứng minh việc ứng dụng phát triển công trình xanh mang lại nhiều giá trị gia tăng, tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành Xây dựng và thị trường bất động sản.

Lý giải về sự "khiêm tốn" này, ông Trịnh Tùng Bách, quản lý phát triển công trình xanh của Tập đoàn Capital House cho rằng, trở ngại hiện nay là phần lớn chủ đầu tư còn nghĩ làm công trình xanh sẽ tăng chi phí thêm từ 10 đến 20%. Thực tế, tại các dự án của Capital House, nhờ ứng dụng công nghệ, chủ đầu tư đã giúp cư dân tiết kiệm hóa đơn điện, nước đến gần 30%. Điều đó cho thấy, phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu mà kết quả lớn nhất là tiết kiệm tài nguyên cho thế hệ tương lai.

Vấn đề hiện nay là sự hưởng ứng của người dân và việc tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những nhà đầu tư bất động sản. Chỉ như vậy, công trình xanh mới có được những bước đi vững chắc, mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không gian đô thị xanh phía Nam Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.