Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để xảy ra các vụ buôn lậu lớn

Hương Ly| 08/08/2016 06:45

(HNM) - 8.148 vụ việc vi phạm đã được lực lượng hải quan phát hiện, xử lý kịp thời trong 6 tháng đầu năm nay. Thực tế này đòi hỏi Ngành Hải quan phải tiếp tục có những biện pháp hiệu quả, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.

Nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi

Ngày 23-7-2016, Đội kiểm soát chống buôn lậu (CBL) khu vực miền Trung (thuộc Cục Điều tra CBL, Tổng cục Hải quan - TCHQ) đã ra quyết định khám xét lô hàng của Công ty TNHH thương mại Thành Hải tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Theo khai báo của doanh nghiệp, đây là lô hàng vải vụn được thu mua từ các nhà máy trong nước. Song, kiểm tra thực tế cho thấy, 6 container thuộc lô hàng này chứa 98 tấn nhôm dạng thỏi và 41 tấn dây đồng phế liệu được ép thành khối.

Lực lượng hải quan khám xét lô hàng của Công ty TNHH thương mại Thành Hải tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Ảnh: Quang Minh



Mới đây nhất ngày 27-7, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) phối hợp với C44 (Bộ Công an) phát hiện 2 hành khách cất giấu trái phép 3kg vàng nguyên liệu (tương đương 80 cây vàng). Theo nhận định của cơ quan chức năng, vụ việc này sẽ là cơ sở để phát giác một đường dây buôn lậu vàng quy mô lớn qua đường hàng không.

Những vụ vi phạm liên tiếp được phát hiện thời gian gần đây cho thấy, các đối tượng đã sử dụng nhiều hình thức gian lận tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng. Nếu không kịp thời phát hiện, một lượng lớn hàng cấm NK sẽ được thẩm lậu vào thị trường nội địa, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước và làm thất thu một lượng lớn tiền thuế lẽ ra phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Siết chặt kiểm soát

Theo đánh giá của TCHQ, các vi phạm trong lĩnh vực hải quan những tháng đầu năm diễn ra đa dạng với các phương thức và thủ đoạn tinh vi. Địa bàn trọng điểm CBL được lực lượng hải quan xác định là các sân bay quốc tế, địa điểm chuyển phát nhanh, địa điểm làm thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu, kho hàng. Hàng hóa vi phạm cũng rất đa dạng, gồm ma túy, vũ khí, động vật hoang dã, điện thoại di động, điện lạnh, đồ gia dụng... Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, mở tờ khai theo loại hình quá cảnh để khai báo cho các lô hàng không đúng với thực tế, lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, sử dụng phương thức "chọn luồng” hoặc dùng thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc một số đối tượng là du học sinh, người lao động nghèo thông qua con đường du học, du lịch để tham gia vận chuyển hàng cấm. Ngoài ra, các hành khách xuất nhập cảnh còn lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục hành chính và thủ tục hải quan để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có giá trị cao như: Vàng, ngoại tệ và hàng cấm như ma túy, chất gây nghiện…

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng TCHQ cho biết, trước những diễn biến phức tạp trong hoạt động CBL, TCHQ đã yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia... trong việc đẩy mạnh công tác phòng, CBL. Cùng với đó, tiếp tục vận hành có hiệu quả Phòng Giám sát hải quan trực tuyến (TCHQ) nhằm kết nối dữ liệu, hình ảnh từ các Chi cục Hải quan cửa khẩu, địa điểm làm thủ tục hải quan về trung tâm chỉ huy, góp phần phòng, CBL và chống thất thu ngân sách.

Những tháng cuối năm, Ngành Hải quan sẽ tập trung đôn đốc các đơn vị thực hiện các kế hoạch, chuyên đề về đẩy mạnh nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Trong đó, sẽ tập trung kiểm soát các mặt hàng xuất nhập khẩu, tổ chức đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi sai phạm. Mục tiêu của toàn ngành là không để xảy ra các vụ buôn lậu lớn, có tính chất phức tạp trong địa bàn hoạt động của hải quan. Bên cạnh đó, Ngành Hải quan sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan từ khâu thu thập thông tin đến hiệp đồng tác chiến nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để xảy ra các vụ buôn lậu lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.