(HNM) - Nắm bắt nhu cầu tiếp cận ngoại ngữ càng sớm càng tốt của các bậc phụ huynh và ngoại ngữ, tin học là giấy thông hành trong tìm kiếm việc làm, các trung tâm ngoại ngữ và tin học ngày càng bung nở, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Ở góc độ nào đó, hệ thống cơ sở này đã phục vụ được nhu cầu rất chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, thời gian qua có một thực tế là mặc dù các trung tâm ngoại ngữ, tin học xuất hiện với mật độ dày đặc, nhưng để tìm được một địa chỉ dạy và học hiệu quả không đơn giản. Với số tiền bỏ ra không nhỏ, nhưng không ít người học vẫn “tiền mất, tật mang” bởi không ít nơi sử dụng giáo viên dạy “chui”, "đạo” chương trình... Trung tâm nào cũng quảng cáo chất lượng vượt trội, tiêu chuẩn quốc tế, cam kết chắc chắn về hiệu quả sau mỗi khóa học cùng dàn giáo viên uy tín, đầy kinh nghiệm, hay đưa ra chương trình học thử đầy hấp dẫn... Song, sau khi đã chiêu sinh đủ học viên, không ít trung tâm không tuân thủ cam kết ban đầu...
Những tồn tại nêu trên bắt nguồn từ công tác quản lý nhà nước ở địa bàn có các trung tâm ngoại ngữ, tin học còn lỏng lẻo. Thực tế, có không ít cơ sở chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động hay giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn tiếp tục chiêu sinh mà không bị xử lý. Đội ngũ giáo viên không đúng với quyết định thành lập và cấp phép hoạt động; thậm chí nhiều trung tâm còn thuê sinh viên để dạy học và sử dụng giáo viên nước ngoài không đúng quy định...
Đáng tiếc là những vi phạm này không được chấn chỉnh kịp thời. Chỉ đến khi có sự cố xảy ra, cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý như một số vụ việc gần đây. Bởi vậy, đòi hỏi công tác quản lý phải có sự thay đổi để chất lượng các trung tâm ngoại ngữ, tin học không bị thả nổi. Đặc biệt là chấn chỉnh các trung tâm này, không để "vàng thau lẫn lộn" nhằm bảo đảm quyền lợi của các học viên là yêu cầu bắt buộc.
Sau lùm xùm phản giáo dục của giáo viên dạy ngoại ngữ ở Công ty MST, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh công khai các trung tâm được cấp phép hoạt động. Theo đó, cuối tháng 5-2018, Hà Nội đã công khai danh sách 539 cơ sở ngoại ngữ, tin học được cấp phép cùng những thông tin như tên và số điện thoại của giám đốc trung tâm, số giấy phép, thời hạn đăng ký… Gần đây nhất, ngày 24-8-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học. Từ ngày 10-10 tới, các trung tâm phải có trách nhiệm giải trình thêm về: Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và công tác thu, chi tài chính. Quy định này nhằm làm minh bạch hơn trách nhiệm của các trung tâm và hạn chế những "con sâu làm rầu nồi canh".
Song, để các trung tâm hoạt động đúng quy định, các cơ quan chức năng cần thanh, kiểm tra thường xuyên để phát hiện sai phạm chứ không phải đến khi sự cố xảy ra rồi mới tìm cách bịt kẽ hở. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng phải chủ động nắm bắt hoạt động của các trung tâm. Khi một cơ sở không phép mà vẫn hoạt động thì rõ ràng trong đó phải có một phần trách nhiệm của chính quyền sở tại.
Nhằm tạo lập một môi trường dạy và học ngoại ngữ, tin học cạnh tranh lành mạnh, rất cần có sự cộng hưởng của chính người học. Các học viên không nên quá tin vào những lời quảng cáo "có cánh" mà cần bám sát các cam kết của trung tâm trong cả quá trình học. Khi thấy những điều bất thường, cần phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng để xác định rõ trách nhiệm các bên.
Khi có sự khớp nối chặt chẽ giữa các bên, sẽ không còn hiện tượng "vàng thau lẫn lộn". Đồng thời, việc dạy và học ngoại ngữ, tin học ở các trung tâm sẽ tiệm cận hơn với giá trị thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.