(HNM) - Chính phủ đang tích cực kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, song môi trường kinh doanh trong nước còn đầy thách thức trước nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Để tránh tình trạng trên “trải thảm”, dưới “rải đinh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, sửa đổi các quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Hàng dài những quy định mâu thuẫn
Đến thời điểm này, có thể nói các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 sẽ hoàn thành, nhiều mục tiêu cán đích sớm. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò quan trọng, thể hiện được là hạt nhân phát triển kinh tế. Song, bên cạnh việc số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng, theo phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn còn những quy định của pháp luật có thể khiến doanh nghiệp bị đình trệ hoạt động, lỡ cơ hội đầu tư…
Minh chứng về điều này, tại cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ gần đây, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã thống kê một “hàng dài” trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật, được doanh nghiệp, người dân phản ánh.
Tính riêng trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, ông Vũ Tiến Lộc dẫn chứng tới 20 điểm xung đột, chồng chéo, như: Xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Xung đột về thời điểm cấp giấy phép quy hoạch giữa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư…
Thậm chí cùng một lĩnh vực, các điều luật trong mỗi luật chuyên ngành lại có những quy định khác nhau nên doanh nghiệp nào "biết điều" thì cán bộ thực thi áp dụng theo điều luật có lợi, còn doanh nghiệp "không biết điều" thì áp dụng điều luật khó hơn.
Nguy hại hơn, khi các luật mâu thuẫn, chưa phù hợp với thực tế, có hiện tượng doanh nghiệp kêu cứ kêu, cơ quan quản lý ghi nhận rồi để đó hoặc cán bộ thực thi công vụ “ngâm” hồ sơ hoặc né tránh vì sợ sai, lo an toàn cho mình mà đẩy khó về phía người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (trụ sở tại Hà Nội) phản ánh: “Chúng tôi đã từng vấp phải khó khăn khi Luật Đất đai thay đổi, các cơ quan hành pháp đều thay đổi về quy trình, khái niệm. Có thủ tục hành chính xong rồi mà giờ thay đổi coi như làm lại từ đầu... Việc này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, chi phí, công sức...”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, phụ trách tài chính, kế toán của Tập đoàn Vingroup nêu rõ, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã có hiệu lực từ năm 2017. Trong nghị định nêu, nếu chi phí lãi vay vượt trên mức 20% tổng lợi nhuận thuần thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật giảm đáng kể.
Trên thực tế so với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay như mục tiêu ra đời của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Chưa hết, quy định trên không được nêu rõ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa phù hợp… Trong khi đó, theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam, thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, riêng Tổng công ty Phát điện phải đóng thêm hơn 500 tỷ đồng tiền thuế.
Không chỉ Vingroup, EVN phản ánh bất cập, nhiều doanh nghiệp khác mong được bãi bỏ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Việc sửa đổi đã được Thủ tướng nhắc Bộ Tài chính 3 lần, thế nhưng tới thời điểm hiện tại, mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ".
Sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt
Thực tế trên cho thấy, mong muốn, kỳ vọng của doanh nghiệp vào một hệ thống pháp luật thống nhất là rất lớn. Trong đó, có những vấn đề mâu thuẫn của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư… đã được doanh nghiệp kiên trì kiến nghị nhiều lần nhưng các cơ quan quản lý chưa sửa.
Trước thực trạng trên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do đại diện Bộ Tư pháp làm tổ trưởng với sự tham gia của các bộ để rà soát lại các điểm không còn phù hợp và sửa đổi.
Đón nhận thông tin trên, luật sư Phạm Hồng Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm chủ trì của Bộ Tư pháp - cơ quan có vai trò thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, với quá trình soạn thảo thông tư, nghị định, những văn bản có ảnh hưởng rộng như lĩnh vực thuế không nên làm theo quy trình rút gọn, để bảo đảm người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng.
Về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, Bộ Tài chính đang xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, trong đó có văn bản thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thêm (Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế H&V, Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp luôn chịu sự chi phối, điều chỉnh của nhiều luật. Vì vậy, quyết tâm cải thiện, tạo dựng môi trường kinh doanh tiến bộ và phù hợp sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp đầu tư dài hơi, bài bản, có đóng góp cho xã hội tốt hơn...
Có thể thấy, việc rà soát, phát hiện các văn bản luật còn những điều khoản bất cập, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển là việc làm cần thiết, thường xuyên.
Trong quá trình đó, các cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm cần thực tâm phối hợp để tạo ra những chính sách mới bảo đảm hiệu quả, tính khả thi, chấm dứt tình trạng trên “trải thảm”, dưới “rải đinh”…; qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.