Văn nghệ

Văn học đề tài chiến tranh cách mạng: Những thông điệp giàu ý nghĩa nhân vănThơ của một thời hoa lửa

Đặng Huy Giang 01/05/2025 15:00

Trong những năm tháng lửa đạn chiến tranh, thơ ca kháng chiến đóng vai trò quan trọng, góp phần khơi gợi lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, tạo điểm tựa tinh thần cho quân và dân ta vượt qua những thời khắc gian nan.

Thơ thời kỳ chống Mỹ khởi phát bằng “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ, “Vàm Cỏ Đông” của Hoài Vũ, “Bài ca chim Chơ rao” của Thu Bồn, “Sư đoàn” và “Lý ngựa ô ở hai vùng đất” của Phạm Ngọc Cảnh, “Bóng cây Kơ-nia” của Ngọc Anh, “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân... Đó là những bài thơ mang đậm màu sắc lạc quan, tin tưởng và hào hùng một thuở, phản ánh nhiều mặt, nhiều chiều của đời sống kháng chiến.

Nếu như “Cuộc chia ly màu đỏ” khẳng định “như chưa hề có cuộc chia ly” trong sự cách xa, chia cắt; “Vàm Cỏ Đông” khẳng định lòng yêu nước và truyền thống đánh giặc giữ nước luôn “chẳng thay dòng”; “Đất quê ta mênh mông” khẳng định sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong những năm trường đánh giặc: “Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh/ Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước/ Hầm mẹ giăng như lũy như thành/ Che chở mỗi bước chân con bước”; thì “Sư đoàn” là niềm mơ ước để: “Lại có một ngày/ Mọi cửa ô xanh Sài Gòn hớn hở/ Như Hà Nội đã từng/ Ba mươi sáu đường hoa tung sóng đỏ”; “Bóng cây Kơ-nia” là sự thủy chung tuyệt đối với cách mạng: “Em và mẹ nhớ anh/ Uống theo nguồn miền Bắc”... Riêng “Dáng đứng Việt Nam” đã tạc vào thế kỷ XX một chân dung sống động, ấn tượng về anh Giải phóng quân ngỡ khó có thể sống động và ấn tượng hơn: “Tên anh đã thành tên đất nước/ Ôi anh Giải phóng quân/ Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Các bài thơ nêu trên còn có sức lan tỏa đến hôm nay. Bốn chữ “Tổ quốc bay lên” trong “Dáng đứng Việt Nam” từng được chọn làm chủ đề cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng vừa qua. Hay câu “Như chưa hề có cuộc chia ly” được lấy tên cho một chương trình truyền hình nổi tiếng trên sóng VTV1.

Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, thơ chống Mỹ như rộng hơn về diện và cao hơn về đỉnh với hàng loạt những cây bút xuất hiện như Phạm Tiến Duật, Bế Kiến Quốc, Vương Anh, Phan Thanh Nhàn, Mã Giang Lân, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Ý Nhi... Trong đó, Phạm Tiến Duật là ngọn cờ đầu. Bằng cách văn xuôi hóa thơ, coi trọng tổng thể hơn chi tiết, cách tiếp cận và phản ánh thực tế trực diện hơn... thơ Phạm Tiến Duật dễ dàng đi vào lòng công chúng và trở thành hiện tượng thơ một thời. Chùm thơ được giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969 với “Lửa đèn”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Nhớ” đã minh chứng cho điều đó. Trong đó, “Lửa đèn” là một tứ thơ hay với ý tưởng độc đáo ở 4 câu kết: “Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp/ Mang những người, những cảnh hôm nay/ Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối/ Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay”.

a-duat.jpg
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (thứ 2 từ phải sang) cùng một số nhà văn, nhà thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Bước vào sự nghiệp “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, Phạm Tiến Duật cũng có nhiều đóng góp lớn. Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều Trường Sơn nhất vào thơ. Có thể nói, Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn, làm nên tên tuổi bởi Trường Sơn với những phát hiện trong thơ. Trong bài “Đèo Ngang”, ông viết: “Đường nhằm hướng Nam/ Người nhằm hướng Nam/ Xe đạn nhằm hướng Nam/ vượt dốc/ Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang/ Mà quên mất con đèo chạy dọc”. Hay trong bài “Tiếng bom ở Siêng Phan”, ông viết: “Thế đấy giữa chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ”.

Vài năm sau đó, một lứa nhà thơ mới xuất hiện với Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Lâm Huy Nhuận, Cảnh Trà, Hữu Thỉnh, Thạch Quỳ, Triệu Nguyễn..., trong đó có nhiều nhà thơ trực tiếp cầm súng. Và đề tài chiến trường đã đi vào thơ họ một cách trực tiếp với “Khoảng trời hố bom”, “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”, “Ghi ở chiến trường”...

Lâm Thị Mỹ Dạ khai thác yếu tố và bản tính nữ ngay ở thời điểm đi gặt đêm giữa vùng bom đạn: “Đạn bom thù chẳng sợ đâu/ E sương rơi ướt mái đầu lá chanh”. Trong khi đó, Hoàng Nhuận Cầm tạo ra được những âm thanh lạ và những màu sắc lạ trên con đường ra trận: “Những con đường xa, con đường xanh/ Sáng lên viên đạn vàng căm giận/ Cần mẫn bầy la đi ra trận/ Bao gùi hàng hồi hộp trên lưng”...

Cuộc thi thơ 1975 - 1976 của tuần báo Văn nghệ như khép lại một thế hệ thơ thời kỳ chống Mỹ. Những Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc đã khẳng định tên tuổi của mình qua các bài thơ đoạt giải A: “Chuyến đò đêm giáp ranh”, “Sức bền của đất”, “Tiếng gọi bò”, “Nếu nỗi nhớ của tôi”, “Sóng Côn Đảo”. Đây là cuộc thi thơ lần thứ 3 của tuần báo Văn nghệ trong những năm “chống Mỹ cứu nước”. Trước đó, Báo Văn nghệ đã tổ chức 2 cuộc thi thơ: Lần thứ nhất (1960 - 1961) vinh danh Thái Giang, Ca Lê Hiến, Giang Nam, Triều Ân, Nguyễn Thanh Toàn...; lần thứ hai, vinh danh Phạm Tiến Duật, Vương Anh, Bế Kiến Quốc, Phan Thị Thanh Nhàn...

Có thể khẳng định, các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) là dàn đồng ca tuổi trẻ, mang khí thế, âm hưởng văn chương một thời và là một đội ngũ đông đảo. Riêng “thế hệ nhà thơ chống Mỹ” đã lên tới trên 300 người. Thơ của họ, theo cách nói của Tố Hữu là tiếng nói “đồng chí, đồng ý, đồng tình”. Đấy cũng là thơ của một thời hoa lửa, hết lòng phụng sự cách mạng, góp phần tuyên truyền, động viên công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn học đề tài chiến tranh cách mạng: Những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn Thơ của một thời hoa lửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.