Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để trên ”nóng”, dưới ”nguội”

Đan Nhiễm| 30/07/2014 05:29

(HNM) - Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố, Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn trong khâu nộp thuế gần như cao nhất khu vực, với 872 giờ/năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước Châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn nhiều so với Indonesia, Thái Lan, Singapore. Lĩnh vực hải quan cũng tương tự khi trong những cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và ngành này được tổ chức, những lời phàn nàn thường vẫn là nội dung trao đổi chính.

Không phải đến khi WB công bố những "con số biết nói" trên thì người dân và cộng đồng DN mới biết về những khó khăn, thậm chí thái độ sách nhiễu mà họ phải đối mặt khi làm việc với cán bộ thuế, hải quan. Không quá khó để chỉ ra những bất cập, điển hình là tình trạng văn bản, chính sách liên quan đến thuế được hiểu khác nhau, không chỉ là giữa các DN hiểu khác nhau mà còn chính cục thuế này hiểu khác cục thuế kia. Nền kinh tế còn nặng về thanh toán tiền mặt, DN không chuộng kê khai nộp thuế qua mạng nên mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó là việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể mà điển hình nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN có hiệu lực từ đầu năm, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa ký được thông tư hướng dẫn... Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực hải quan, làm nản lòng DN.

Tại hội nghị với cộng đồng DN tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "DN và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân về việc đó". Thể hiện quyết tâm thay đổi, trong hai văn bản vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 25-7 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, có nêu rõ: Phấn đấu giảm 50% thời gian thông quan hàng, thời gian làm thủ tục thuế còn không quá 300 giờ/năm vào cuối năm 2014. Năm 2015, giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với mức bình quân của các nước ASEAN-6... Rõ ràng, những chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là rất kịp thời, đồng thời cũng là mục tiêu mà ngành thuế, hải quan sẽ phải giải quyết.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong thời gian gần đây khi đưa vào triển khai thí điểm nộp thuế điện tử, hệ thống thông quan tự động với nhiều cải tiến, giảm phiền hà cho DN. Bằng chứng là vài năm trước, số giờ nộp thuế/năm của DN đã từng lên tới 1.050 giờ chứ không phải là 872 giờ như hiện nay. Tuy nhiên, những cải tiến đó vẫn chưa đủ. Bởi trên thực tế cán bộ thuế, hải quan vẫn rất nhiều quyền, đặc biệt là quyền tiếp xúc trực tiếp với DN, có thể can thiệp nhiều khâu dẫn tới tình trạng "dìm" DN để vòi vĩnh, thu lợi cá nhân. Rồi là những văn bản nội ngành, liên ngành "vênh" nhau đã vô tình tạo ra những kẽ hở để người thực thi công vụ có thể "giải thích" thiếu thống nhất… cũng "góp sức" cho một bộ phận cán bộ có điều kiện nhũng nhiễu.

Theo phản ánh của DN, những chỉ đạo, xử lý liên quan đến hai lĩnh vực thuế, hải quan thông qua các cuộc đối thoại với cộng đồng DN của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... là rất quyết liệt. Tuy nhiên, các DN vẫn luôn có cảm giác là quyết tâm đó càng xuống dưới càng giảm; có thể ở cấp cục quyết tâm mạnh nhưng đến chi cục, đặc biệt là khi đến tổ, đội và người triển khai thực hiện thì nhiệt huyết tháo gỡ khó khăn mất dần, thậm chí có khi lại thêm khó khăn. Thiết nghĩ đó mới chính là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", và muốn giảm phiền hà cho người dân, DN thì đó sẽ là việc phải chấn chỉnh ngay, và hiệu quả của công việc này phải gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu, xem đó là một tiêu chuẩn đánh giá cán bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để trên ”nóng”, dưới ”nguội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.