(HNM) - Chiều 21-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).
Bổ sung thời hạn phải thực hiện kết luận giám sát; quyền giám sát của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không nên hạn chế ở địa phương là yêu cầu đặt ra nhằm hạn chế tối đa tình trạng "giám sát cho có", lơ là không giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tại cơ sở.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Thắng Long |
Bổ sung đối tượng trả lời chất vấn
Giới thiệu tổng quan về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Việc xây dựng, ban hành đạo luật chung về hoạt động giám sát của QH và HĐND với những sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm khắc phục sự tản mạn các quy định về giám sát của QH và HĐND trong các văn bản pháp luật khác nhau, hạn chế những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện giám sát.
Về hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ban soạn thảo đã quy định rõ hơn hoạt động xem xét, trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, bổ sung đối tượng trả lời chất vấn là Tổng Kiểm toán Nhà nước; qua đó, khẳng định rõ vai trò của đại biểu Quốc hội trong chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Với giám sát của HĐND, cũng đã nêu đích danh thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng có trách nhiệm xem xét việc trả lời chất vấn. Để bảo đảm tính khả thi của hoạt động giám sát, nhiều chế tài cũng đã được bổ sung, điển hình là: Các chủ thể giám sát có quyền tổ chức lấy ý kiến, trưng cầu giám định khi cần thiết theo quy định của pháp luật. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho các chủ thể giám sát và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp.
Khắc phục tính hình thức
ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đánh giá: So với luật trước đây, hoạt động giám sát đã bổ sung quy định chủ thể giám sát có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát nếu có vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Tám, luật mới vẫn chưa quy định rõ thời hạn thực hiện nên khó theo dõi, xử lý. Ban soạn thảo đề xuất, nguyên tắc hoạt động giám sát phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Dù vậy, theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng), nhiều nội dung giám sát mới như "cưỡi ngựa xem hoa". Dẫn chứng việc giám sát của HĐND theo kế hoạch gồm nhiều thành phần tham gia, nhưng khi triển khai vẫn không đầy đủ; quá trình giám sát chỉ trong một buổi, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng như vậy dễ dẫn đến hình thức nên hoạt động giám sát thiếu sức nặng.
ĐBQH đóng vai trò quan trọng trong phối hợp, đưa thông tin, giúp cử tri thực hiện quyền được thông tin và tham gia các vấn đề trong giám sát của QH. Vì lẽ này, ĐB Phạm Đức Châu (Đoàn Quảng Trị) đặt câu hỏi, tại sao không bổ sung quyền yêu cầu giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại mỗi địa phương để dễ dàng kiểm tra chéo? Trong khi đó, khâu giám sát, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc ở cơ sở chưa tốt, có tình trạng thiếu trách nhiệm trong giải quyết.
Xung quanh nội dung lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước Quốc hội, HĐND, một số đại biểu cho rằng việc này khó bảo đảm sự khách quan, khó phản ánh hết ý chí của đại biểu và của cử tri. ĐB Phạm Đức Châu đề nghị nên quy định trách nhiệm của người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp tại phiên họp trả lời chất vấn nhằm hạn chế tối đa tình trạng ủy quyền cho cấp phó.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn, nên tăng thời gian chất vấn tại mỗi phiên họp, tạo điều kiện để ĐBQH, đại biểu chất vấn đến cùng. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) khẳng định hoạt động giám sát hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức. Đoàn giám sát đến rồi đi, còn địa phương chẳng có chuyển biến gì vẫn không sao. Ông đề xuất, nguyên tắc giám sát là phải tiến hành thường xuyên, công khai, hình thức đa dạng từ giám sát chuyên đề, tổ chức phiên giải trình về các vấn đề cử tri quan tâm, tăng cường tái chất vấn nhưng không được chồng chéo, trùng lắp, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương: Giám sát "nặng" nghe báo cáo Hoạt động giám sát hiện tại chủ yếu vẫn chỉ là nghe báo cáo và đưa ra kết luận. Tôi kiến nghị phải quy định rõ phương thức giám sát trong luật, hoạt động giám sát nên đi đôi với công tác kiểm tra. Mặt khác, các ĐB phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ việc, có như vậy chủ thể giám sát mới đưa ra được những kết luận, đánh giá chính xác và có căn cứ để báo cáo với các ban, ngành có liên quan, từ đó giải quyết các vấn đề bức xúc một cách triệt để. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.