Ngày 1-2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành Đường sắt, các doanh nghiệp vận tải, bến xe chủ động dự phòng phương tiện, đảm bảo không để thiếu tàu, xe đưa người dân về quê đón Tết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác vận tải hành khách dịp Xuân Kỷ Hợi tại Ga Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Tham gia đoàn có lãnh đạo các Bộ Giao thông - Vận tải, Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội.
Ngành Đường sắt phải đảm bảo an toàn tối đa
Tại Ga Hà Nội, Phó Thủ tướng và đoàn đã kiểm tra, chúc Tết Ban lái máy tàu; kiểm tra, chúc Tết hành khách và tiễn tàu SE5 chuẩn bị rời ga Hà Nội; chúc Tết các bộ phận trực ban; tặng quà tập thể cán bộ, nhân viên đang trực phục vụ tại nhà ga.
Theo Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong đợt cao điểm Tết năm nay đã huy động toàn bộ 215 đầu máy và hơn 1.000 toa xe khách, trong đó có 131 toa xe đóng mới và hơn 30 xe cải tạo nâng cấp. Tất cả đầu máy, toa xe đã được tổng kiểm tra về các trang thiết bị an toàn, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, giảm tối đa trở ngại chạy tàu.
Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, Tổng Công ty tổ chức chạy 15 đôi tàu khách Thống Nhất, trong đó có 10 đôi tàu chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn (tăng gấp đôi số đôi tàu chạy suốt so với thời điểm bình thường), 5 đôi tàu chạy khu đoạn Thanh Hóa - Sài Gòn, Vinh - Sài Gòn, Đồng Hới - Sài Gòn, Đà Nẵng - Sài Gòn.
Bên cạnh các tàu khách Thống Nhất, trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn còn tổ chức chạy 11 đôi tàu khu đoạn trên các tuyến ngắn. Trong các ngày Tết, vẫn chạy thường xuyên 8 đôi tàu giữa Hà Nội - Sài Gòn để phục vụ hành khách đi lại thăm người thân. Các tuyến đường sắt khác cũng duy trì việc chạy tàu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đợt cao điểm Tết năm nay, trung bình một ngày Ga Hà Nội phải tổ chức giải thể, lập 38 đoàn tàu cả đi và về ga (cao điểm 44 đoàn tàu/ngày), tăng 22 đoàn so với ngày bình thường, phục vụ tối đa hơn 1 triệu lượt khách lên xuống tàu.
Ga đã tăng cường cán bộ, công nhân viên phối hợp phục vụ công tác đón, tiễn hành khách; đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát không để các đối tượng xe ôm, hàng rong vào ga lên tàu hoạt động, chống trộm cắp, cướp giật tài sản của hành khách, chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm...
Sau khi đi kiểm tra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận ngành Đường sắt Việt Nam, Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội đã có sự chuẩn bị tích cực, chu đáo để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, sự cố tàu SE1 trật bánh ngày 27-1 vừa qua đã gây ra tình trạng ùn ứ tại Ga Sài Gòn, Bình Thuận, làm đảo lộn kế hoạch chạy tàu phục vụ Tết trong những ngày cao điểm nhất, ảnh hưởng đến hàng ngàn hành khách, cùng với đó là hàng ngàn gia đình. Bên cạnh đó, qua phản ánh của người dân, tình trạng mất vệ sinh trên tàu, tình trạng lộn xộn khu vực đón - tiễn khách, khu vực bên ngoài ga vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Trong những ngày tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bố trí đủ phương tiện, nhân lực để phục vụ tốt việc đi lại của hành khách; bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ hành khách đi tàu, công tác hướng dẫn thông tin cho hành khách đảm bảo thuận tiện khi lên, xuống tàu.
Đồng thời, Tổng Công ty phối hợp với các đơn vị vận tải khác để làm tốt công tác kết nối phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi xuống tàu phải di chuyển bằng phương tiện khác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Đường sắt đảm bảo an toàn tối đa, không để lặp lại các vụ việc, sự cố đáng tiếc như vừa qua; bố trí nhân lực trực chốt tại các đường ngang phòng vệ bằng biển báo, cảnh báo tự động có mật độ phương tiện đường bộ qua lại cao.
Đối với các ga có mật độ hành khách đi tàu đông, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có phương án phân luồng giao thông, tránh ùn tắc các phương tiện đường bộ vào đón trả khách, giữ gìn an ninh trật tự khu vực ga và xung quanh ga, không để các đối tượng cò mồi, phe vé, môi giới dẫn khách vào ga, kiên quyết từ chối vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, bộ phận phải có lịch trực chỉ đạo công tác sản xuất; duy trì bộ phận ứng trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng giải quyết các nhiệm vụ phát sinh; tăng cường công tác kiểm tra, bám sát hiện trường để giám sát, đôn đốc lực lượng trực tiếp làm công tác chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ công nhân gác chắn đường ngang, trực ban chạy tàu, lái tàu, tuần đường... đảm bảo đủ sức khỏe, tỉnh táo, tự giác chấp hành các quy trình, quy định.
Không để thiếu xe đưa người dân về quê
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi và chúc Tết hành khách tại Bến xe Giáp Bát. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Tại Bến xe khách Giáp Bát, Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra khu vực bán vé, phòng chờ, sân đỗ…
Nói chuyện với một số lái xe đang chuẩn bị xuất bến, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn giao thông; không sử dụng rượu - bia, ma túy; không bắt khách dọc đường, không chở quá số người quy định. Phó Thủ tướng cũng đề nghị lái xe bố trí thời gian nghỉ hợp lý, tránh tình trạng chạy cố khi quá mệt mỏi, dễ xảy ra mất an toàn.
Phó Thủ tướng mong muốn người dân vào bến mua vé, không đứng chờ xe ở ven đường quốc lộ; đề nghị người dân chủ động báo tin về các vi phạm của nhà xe như đón khách dọc đường, nhồi nhét khách… đến các số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải được công khai ngay trên xe.
Theo tính toán, đợt cao điểm năm nay sẽ diễn ra trong ngày 26-1 đến hết ngày 4-2-2019. Tuy nhiên, do số ngày nghỉ trước Tết dài nên khách sẽ dàn đều trong đợt, lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 30% đến 50% so với ngày thường.
Báo cáo tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bến xe Giáp Bát khẳng định, về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Đối với một số tuyến như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai… có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm, nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.
Trong những ngày tới, để đảm bảo an toàn cho người dân về quê đón Tết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an, các địa phương tiếp tục siết chặt việc quản lý, giám sát xe khách, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xe dù bến cóc, nhồi nhét khách, tăng giá...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện lái xe sử dụng rượu bia, ma túy; kiểm tra hàng hóa tại các bến xe, tránh tình trạng vận chuyển hàng cấm, phòng tránh các nguy cơ cháy nổ.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị kinh doanh, khai thác bến xe, các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải có phương án bố trí phương tiện tăng cường để phục vụ hành khách kịp thời trong các ngày cao điểm.
Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, các bến xe kiên quyết không để bất cứ người dân nào không có xe về quê đón Tết cùng gia đình; ngăn chặn bằng được tình trạng xe dù, bến cóc và bắt chẹt người dân đi lại trong dịp sát Tết. Các lực lượng chức năng của thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm bất cứ phương tiện nào vi phạm quy định về vận tải; đặc biệt, cần kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc sử dụng rượu bia, ma túy của lái xe để ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng như thời gian vừa qua.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Phó Thủ tướng gửi lời chúc Tết tới toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Đường sắt; Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.