(HNM) - Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phí, lệ phí chiều 11-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao việc ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp từ kỳ họp trước; đồng thời bày tỏ sự đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Phí đường bộ đối với xe máy dừng triển khai từ ngày 1-1-2016 sau khi có nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh: Bá Hoạt |
Song nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật cần loại bỏ các quy định thu một số loại phí, không để "phí chồng phí", tránh thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp…
Không thể là một loại thuế thu nhập cá nhân
Về phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, hầu hết ý kiến đề nghị loại bỏ loại phí này. Theo UBTVQH, phí sử dụng đường bộ là một khoản phí thuộc lĩnh vực giao thông nằm trong danh mục kèm dự thảo luật, áp dụng cho nhiều loại phương tiện tham gia lưu hành nhằm tạo nguồn thu phục vụ bảo trì đường bộ. Trong dự thảo luật không ghi thành một danh mục riêng, việc quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này và mức thu cụ thể do Chính phủ quy định. Căn cứ vào tình hình từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định thu hoặc dừng thu đối với từng loại phương tiện cụ thể. Thực tế tại phiên họp thường kỳ tháng 9-2015, Chính phủ đã thống nhất dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy kể từ ngày 1-1-2016. Vì vậy, UBTVQH vẫn đề nghị giữ lại quy định này trong dự thảo luật.
Theo nhiều ĐBQH, người dân đã đóng các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân và từ nguồn thuế này, Nhà nước mới thực hiện đầu tư cho phát triển, trong đó có hạ tầng giao thông như cầu, đường. Việc xây dựng các công trình có sử dụng vốn vay ODA và như vậy, người dân cũng sẽ phải trả các khoản nợ này… ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Trong nhiều trường hợp thu thuế sử dụng dịch vụ như hình thức thuế thu nhập trá hình. Ở nhiều nước, phí đường bộ nếu thu thì phải chứng minh được là có đem lại giá trị gia tăng, cải thiện tốt hơn. Có những con đường ghi là được xây dựng bởi tiền đóng góp của dân, phí là trả thêm những điều được cải thiện. Người dân được quyền khiếu kiện nếu dịch vụ chất lượng kém hay chậm trễ. ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh: Việc thu phí và lệ phí phải hợp lý, không trở thành một loại thuế thu nhập cá nhân, làm giảm thu nhập hợp pháp của dân.
Cũng liên quan đến thu phí đường bộ với xe máy, ĐB Danh Út (Kiên Giang) tán thành việc Chính phủ dừng thu phí đường bộ với xe máy từ ngày 1-1-2016, đồng thời kiến nghị, UBTVQH loại bỏ hẳn quy định này trong dự thảo, không thu phí với xe máy. ĐB lý giải, với người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, xe máy được coi là "kế sinh nhai" để cải thiện cuộc sống. Trong khi đó, hạ tầng giao thông miền núi và vùng xa không tốt, không có đường nhựa, chủ yếu là đường đất, nếu thu phí đường bộ sẽ là không công bằng với người dân. Còn ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong các năm tới, Nhà nước chưa nên thu phí đường bộ với phương tiện này.
Nông dân đang phải gánh 93 loại phí, lệ phí
Theo các ĐBQH, hiện có 131 khoản phí, lệ phí trong và ngoài quy định. Những khoản phí này được xem là vô lý, người dân và doanh nghiệp (DN) gánh chịu trong thời gian dài. Điều đáng nói là, việc thu phí, lệ phí diễn ra phổ biến với nhiều khoản khác nhau, trong đó người nông dân đang phải gánh 93 loại phí, lệ phí trong và ngoài danh mục quy định. Còn DN đang hằng ngày phải đối mặt với nhiều loại phí chính thức và không chính thức, thậm chí gánh cả tình trạng "phí chồng phí" làm cho DN tốn nhiều chi phí hữu hình, vô hình và đây là nguyên nhân làm hạn chế năng lực cạnh tranh của DN.
Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh), ban soạn thảo cần làm rõ thêm về danh mục phí, lệ phí. ĐB Trần Quốc Tuấn phân tích, việc giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, nhưng phải không phát sinh các khoản phí, lệ phí thuộc danh mục đã quy định trong luật. Còn nếu không giao cho Chính phủ mà luật lại quy định một cách chi tiết sẽ khó khả thi, vì nước ta trong quá trình hội nhập cần những thay đổi kịp thời để phù hợp với thực tiễn. Việc Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình như quy định tại Điều 17 của dự thảo luật là hợp lý. Song, các văn bản hướng dẫn cần làm rõ nội hàm của các khoản phí, lệ phí trong danh mục để bảo đảm tính công khai minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện.
Nhiều ĐB cho rằng, dự thảo luật cần tách bạch dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hành chính khác. Cần xác định những dịch vụ hành chính nào là thuần công thì không nên quy định trả phí, thu phí vì thuộc nhiệm vụ của chính quyền và là quyền lợi của dân, vì dân đã đóng thuế để nuôi bộ máy. Còn những dịch vụ công khác như dịch vụ công cộng, công ích có thể do Nhà nước cung cấp hoặc giao cho các cơ sở ngoài nhà nước thực hiện thì phải có phí. Có ý kiến đề xuất, dự thảo không quy định nguyên tắc phí là cơ bản bù đắp chi phí, vì có những loại dịch vụ Nhà nước chỉ thu một phần chứ không phải toàn bộ chi phí, còn lại Nhà nước bù lỗ. ĐB Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cùng với việc quy định chi tiết ngay trong dự luật danh mục chi tiết phí, lệ phí, cần phải có quy định cụ thể để bảo đảm sự tham gia giám sát trong quá trình thực hiện của các tổ chức đoàn thể, xã hội...
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn Hà Nội): Tôi đề nghị Quốc hội xem xét và có giám sát danh mục chi tiết mà Chính phủ quy định hằng năm để bảo đảm với người dân rằng không làm phát sinh thêm bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào khác ngoài danh mục đã được phê duyệt. Tôi đồng tình về việc Quốc hội sẽ ủy quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung hoặc điều chỉnh danh mục phí và lệ phí khi Chính phủ trình giữa 2 kỳ họp, nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tế phát sinh. Khi tính minh bạch và cụ thể của dự luật được đáp ứng thì quyền và nghĩa vụ của công dân cũng có cơ sở được bảo đảm khi luật được triển khai. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.