(HNM) - Sống tại nơi sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm chi phí; tiện trông coi nhà xưởng... là phương án được nhiều chủ sử dụng lao động và người lao động lựa chọn. Tuy nhiên, do không tuân thủ các quy định của pháp luật về thông báo tạm trú, lưu trú cũng như chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy nên thực trạng trên đã vô tình “lợi bất cập hại”.
Điều đáng nói là việc này đã tồn tại từ lâu, xảy ra ở nhiều nơi và có không ít người dễ dàng chấp nhận mà không nghĩ đến những hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa có phương án quản lý chặt chẽ... Vụ cháy xưởng sản xuất tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) xảy ra tháng 4 vừa qua, gây thiệt hại nặng về người và tài sản đã cho thấy nhiều điều, là nỗi ám ảnh dài lâu và là một bài học sâu sắc... Bài học trước hết từ sự chủ quan của chủ sử dụng lao động và người lao động; bài học cho cả cơ quan quản lý khi Hà Nội, nơi có nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, số lượng người lao động ở tại nơi làm việc cũng không hề nhỏ.
Do vậy, việc sử dụng nhà xưởng, nơi sản xuất kinh doanh đồng thời làm nơi ở phải sớm được chấn chỉnh, trong đó công tác phòng, chống cháy nổ phải được triển khai đồng bộ trên cả 2 phương diện: Quy định về phòng cháy, chữa cháy và quản lý thường trú, tạm trú, lưu trú.
Từ những vụ cháy nhà xưởng vừa qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố tổng kiểm tra việc lưu trú và công tác phòng cháy, chữa cháy tại nơi sản xuất. Song trước hết, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ nghiêm quy định về lắp đặt hệ thống phòng, chống cháy nổ và trang bị kỹ năng cần thiết cho người lao động theo đúng quy định, để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ… Trong đó, ý thức, trách nhiệm phòng ngừa hỏa hoạn, của mỗi chủ thể để tự bảo vệ mình (bằng những việc làm rất cụ thể như cẩn trọng trong sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa...) là quan trọng nhất.
Ở góc độ chính quyền địa phương, cần rà soát, thiết lập danh sách các cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ để có phương án quản lý hiệu quả cả về hệ thống phòng cháy, chữa cháy và con người. Với những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, chính quyền địa phương phải di dời khỏi khu dân cư; với cơ sở được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, phải rà soát lại các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Riêng với các cơ sở sản xuất, kho hàng chưa được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định, cơ quan có thẩm quyền phải kiên quyết đình chỉ hoạt động.
Cùng với đó, việc quản lý thường trú, tạm trú, lưu trú phải được lực lượng công an thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Trong đó, chú trọng việc tổ chức, hướng dẫn lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố tăng cường tuần tra, canh gác, nhất là vào ban đêm để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ từ khi mới phát sinh; phát huy thế mạnh của lực lượng tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư để nắm bắt tình hình và xử lý những trường hợp thường trú, tạm trú, lưu trú không đúng quy định...
Với những cơ sở không đủ điều kiện lưu trú thì phải kiên quyết không để người lao động sinh sống tại đó. Đặc biệt, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cho người tạm trú, lưu trú phải nâng cao ý thức trách nhiệm và bản thân người tạm trú, lưu trú cần thực hiện nghĩa vụ thông báo với công an cấp xã, phường...
Rõ ràng, việc phối hợp đồng bộ, trách nhiệm trong công tác quản lý và tăng cường ý thức, trách nhiệm của các chủ thể liên quan, thì việc bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi làm việc cho người lao động mới được khắc phục hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.