Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để chính sách thực thi chậm trễ

Gia Khánh| 27/04/2023 06:03

(HNM) - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, có hiệu lực đến hết ngày 30-6-2024. Theo đó, các tổ chức tín dụng được trao quyền chủ động đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định cơ cấu lại khoản nợ vay.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11, Điều 4, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10-11-2021, quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô, cùng đợt với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán.

Theo các chuyên gia, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, có dòng tiền sản xuất, kinh doanh, đồng thời có điều kiện tiếp cận nguồn vốn mới. Khi doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn, sản xuất, kinh doanh được duy trì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn Thông tư số 03/2023/TT-NHNN là giải pháp khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đó tăng nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Thông tư cũng giúp gỡ khó cho thị trường trái phiếu trong bối cảnh các khoản nợ đáo hạn rơi vào quý II và IV-2023; đồng thời giúp các ngân hàng linh hoạt trong cho vay, đầu tư, xem xét mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành quy định. Đây là những chính sách đang được doanh nghiệp rất mong đợi, vì thế các ngân hàng thương mại cần nhanh chóng triển khai, không để chính sách đã ban hành thực thi chậm trễ. Trước tiên là xây dựng các hướng dẫn quy trình nội bộ rõ ràng trong hệ thống ngân hàng thương mại; đồng thời có các tiêu chí xác định đối tượng hỗ trợ hoặc đầu tư, cho vay, cơ cấu lại nợ. Bài học từ chính sách giảm 2% lãi suất với dư nợ được hỗ trợ rất thấp cho thấy, thiếu hướng dẫn rõ ràng, tiêu chí cụ thể, chính sách rất khó triển khai. Tiếp đó, các tổ chức tín dụng cần thường xuyên trao đổi với khách hàng, nắm tình hình, tháo gỡ vướng mắc kịp thời, đồng thời kiểm tra, giám sát, bảo đảm các khoản cơ cấu lại nợ, đầu tư trái phiếu an toàn, đúng quy định.

Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai chính sách, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho cả tổ chức tín dụng và khách hàng; giám sát việc phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn cho hệ thống. Đồng thời, cùng với 2 chính sách trên, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khác, như giãn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí... bảo đảm việc hỗ trợ đồng bộ, đạt các mục tiêu lớn của nền kinh tế.

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại sáng 25-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ. Việc thực hiện các chính sách đã ban hành phải hiệu quả, đồng thời xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới có tính đột phá, đưa chính sách thực sự vào cuộc sống để các thị trường có thêm nguồn lực, động lực để phát triển.

Tinh thần chỉ đạo này cần phải lan tỏa, để chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống thực chất, hiệu quả, đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp, người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để chính sách thực thi chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.