Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không đặt mục tiêu lợi nhuận trong thu phí, lệ phí

Vân An| 18/06/2015 14:53

(HNMO) - Ngày 18/6, thảo luận về dự thảo Luật Phí và lệ phí, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến nguyên tắc không lợi nhuận trong việc thu phí, lệ phí.


Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí cao với việc cần thiết ban hành luật phí và lệ phí nhằm khắc phục một số tồn tại trong pháp lệnh phí, lệ phí hiện hành, đáp ứng kịp thời sự phát triển kinh tế xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công…

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, việc ban hành luật cần quan tâm đến tính công khai và đặc biệt là tính công bằng trong chính sách phí, lệ phí bởi trong thực tế có một số khoản phí và lệ phí đã thể hiện sự thiếu công bằng và không hợp lý. Dự thảo luật đã có nhiều điểm mới, nhưng cần tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa, gắn với việc phân cấp, phân quyền, phù hợp với Hiến pháp và các Luật tổ chức mà Quốc hội đã thông qua, sẽ thông qua, mục tiêu xây dựng luật này phải gắn với chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công cũng như việc cải cách nền hành chính công vụ của nhà nước.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, các đại biểu cơ bản nhất trí chỉ điều chỉnh đối với những khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp, không điều chỉnh các loại phí, lệ phí do các tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước thực hiện.

Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc không quy định các loại phí từ lâu đã giao cho doanh nghiệp thu ổn định cũng như cân nhắc chuyển hai loại học phí và viện phí thành giá dịch vụ, vì đây là 2 chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu chuyển sang giá dịch vụ thì cần có lộ trình phù hợp với tiến trình phát triển đất nước cũng như thu nhập của người dân hoặc thay chính sách thu phí bằng một chính sách xã hội trực tiếp cho người dân, như vậy sẽ công tư minh bạch và công bằng, hợp lý, chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ sẽ tương xứng với nhau.

“Mặc dù viện phí và học phí thuộc nhóm hoạt động dịch vụ do nhà nước định giá, nhưng tôi vẫn mong muốn và đề nghị Quốc hội cũng như Chính phủ cần quy định lộ trình, cơ chế quản lý và chính sách học phí cho các trường công lập, chính sách miễn giảm cụ thể để viện phí, học phí không trở thành gánh nặng đối với những người nghèo, những gia đình chính sách, người già neo đơn. Đặc biệt, cần phải đảm bảo cho mọi trẻ em đều được đến trường, góp phần xây dựng một xã hội học tập và là cơ sở để phát triển nền kinh tế tri thức cho đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường - TP Hà Nội nói.

Về danh mục phí, lệ phí, các đại biểu cơ bản tán thành với danh mục phí và lệ phí kèm theo dự thảo luật. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng danh mục này còn chung chung, khái quát, cần được quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn, phân loại theo nhóm, ngành, đảm bảo các loại phí, lệ phí phù hợp với thực tế và có thể bỏ bớt một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí thi hành thu lớn. Đồng thời, Ban soạn thảo nghiên cứu thật kỹ hoặc bỏ một số khoản lệ phí, phí không hợp lý, như lệ phí sử dụng lề đường, lòng đường, lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài, phí bảo vệ môi trường, lệ phí trong ngành ngoại giao....

“Chúng ta thảo luận luật này theo nguyên tắc là khi nền kinh tế của đất nước, của địa phương phát triển thì đồng thuận với nó là người dân phải được hưởng lợi nhiều hơn từ sự phát triển đó. Có nghĩa khi chúng ta bàn về các điều luật trong dự thảo luật này thì cần phải tính đến quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ của người dân một cách hợp lý, không phải khi chúng ta cung cấp bất cứ một dịch vụ nào cũng tính đến phí và lệ phí, điều này là phản cảm và không có lợi cho sự phát triển của đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - TP Hồ Chí Minh nói.



“Tôi đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung thêm một chương quy định riêng về các loại phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Nếu trong dự thảo luật này Quốc hội không cụ thể hóa được các khoản phí này, không nêu được mục đích thu, nguyên tắc xác định mức thu, cách thức tiến hành thu thì sẽ không giải quyết được bức xúc của cử tri như phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng tạm thời lề đường, lòng đường, hè phố, học phí, viện phí, giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Việc cụ thể hóa các loại phí này trong dự án luật không chỉ giải quyết được bức xúc của cử tri mà còn góp phần tăng thu cho ngân sách, giúp cho các dịch vụ công được cung cấp tốt hơn”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Bình Định nói.

“Dự thảo luật cần cân nhắc quy định thu phí, lệ phí một số hoạt động thuộc trách nhiệm của cơ quan thực hiện nhiệm vụ công, như phí khai thác sử dụng tài liệu do nhà nước quản lý. Nếu quy định thu phí nội dung này sẽ không phù hợp, tạo thông lệ kinh doanh trong việc cung cấp tài liệu thuộc trách nhiệm quản lý của ngành để đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu và phát triển đất nước”, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - An Giang nói.

Về nguyên tắc, đa số ý kiến đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc xác định thu phí, không vì mục đích lợi nhuận, hài hòa, hợp lý giữa quyền lợi chính đáng của người dân và chức năng của nhà nước. Nguyên tắc định giá dịch vụ do nhà nước định giá cũng phải được quy định, xác định rõ trong dự thảo luật này.

“Phí và lệ phí khác với thuế ở chỗ phí và lệ phí được thu đồng đều cho mọi cá nhân, tổ chức, nếu để đạt được nguyên tắc có lợi nhuận hợp lý, có thể dẫn đến một cá nhân thu nhập thấp sẽ phải gánh một khoản phí khổng lồ so với thu nhập của họ. Do đó, tôi đề nghị bỏ nguyên tắc có lợi nhuận hợp lý trong nguyên tắc thu phí, đồng thời xem xét bổ sung thêm các nội dung khác vào nguyên tắc xác định mức thu phí như cân đối hài hòa với thu nhập của các cá nhân, tổ chức trong từng thời kỳ”, đại biểu Sỹ Đồng - Quảng Trị nói.

Về cơ chế thu, nộp, quản lý sử dụng phí, lệ phí, đa số đại biểu thống nhất lệ phí phải được nộp ngân sách 100%. Còn phí phải thu hết vào ngân sách nhà nước và cấp lại cho các đơn vị theo dự toán.

“Luật cần quy định tất cả các khoản phí và lệ phí thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó ngân sách nhà nước sẽ điều tiết và phân bổ lại cho các địa phương hay các bộ, ngành. Lúc này, các cơ quan có thẩm quyền ở đây sẽ quyết định cấp kinh phí từ nguồn này để trang trải chi phí cho việc cung cấp dịch vụ thu phí cho các cơ quan thu phí, như vậy sẽ công bằng hơn đối với các cơ quan thu phí trong cùng một địa phương, đồng thời cũng công bằng đối với tất cả các địa phương trên toàn quốc. Vì xét một góc độ toàn diện thì tất cả các cơ sở vật chất và chi phí lương, thù lao để tạo ra dịch vụ công đều có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh nói.

Về thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phí và lệ phí, đa số ý kiến thống nhất cần thiết quy định danh mục chi tiết các khoản phí và lệ phí và phân cấp những loại này giữa trung ương và địa phương, việc xác định mức thu cũng như tỷ lệ để lại. Những khoản thu trong phạm vi thẩm quyền phân cấp cho địa phương nên được giao cho Hội đồng nhân dân.

“Tôi đề nghị luật này phải gắn với Luật tổ chức chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương có 3 loại là: phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Về phí, lệ phí thì cái nào là phân cấp, cái nào là phân quyền cho địa phương, dự luật phải minh bạch để thấy trách nhiệm của Chính quyền địa phương, sự tự chủ của họ. Tôi thấy chúng ta quên rằng phí còn là một công cụ để quản lý, không phải chỉ là vấn đề thu tiền”, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh nói.

Cũng trong phiên làm việc ngày 18/6, Quốc hội họp riêng, thảo luận và bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Chu Nga - đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đặt mục tiêu lợi nhuận trong thu phí, lệ phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.