(HNM) - Cục Thuế Hà Nội vừa công khai danh sách hàng chục dự án còn nợ hơn 2.300 tỷ đồng tiền sử dụng đất trên địa bàn. Các dự án còn nợ chủ yếu nằm trên địa bàn Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy.
Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi cơ quan thuế công bố danh sách, nhiều khách hàng mới "ngã ngửa" vì ngôi nhà mà mình đã bỏ tiền mua chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Càng lo hơn khi nhiều dự án đã gần hoàn thành, sắp bàn giao cho khách hàng.
Để thu hồi nợ cho ngân sách, ngành thuế cho biết, sẽ áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản, vô hiệu hóa đơn, thậm chí thu hồi dự án nếu doanh nghiệp cố tình chây ỳ. Như vậy, đương nhiên, khách hàng - những người vô can trong việc chủ đầu tư nợ nghĩa vụ tài chính - đứng trước nguy cơ bị... vạ lây. Thậm chí, ngoài việc có thể không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, người mua còn có thể chịu rủi ro không được nhận cả nhà nếu dự án không được tiếp tục triển khai.
Có ý kiến cho rằng, người mua nhà phải hết sức tỉnh táo, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ cơ sở pháp lý của dự án, trong đó có cả việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Song, với một thị trường bất động sản như hiện nay, nếu cơ quan quản lý nhà nước không công khai danh tính chủ đầu tư còn nợ thuế, nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất… với Nhà nước thì người dân khó nắm được thông tin để cảnh giác, quyết định mua hay không mua nhà.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trấn an, tùy theo dự án, cơ quan quản lý vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua cùng với quá trình xử lý vi phạm của chủ đầu tư. Mới nhất, UBND thành phố có văn bản nêu rõ, những dự án đã kiểm tra, thanh tra, có kết luận, đang xử lý, khắc phục, Sở Tài nguyên và Môi trường xét cấp giấy chứng nhận cho cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ với chủ đầu tư mà không đợi kết quả xử lý vi phạm. Tuy nhiên, dự án mà cơ quan chức năng chưa thanh tra, chưa kết luận rõ vi phạm, đương nhiên chưa được cấp giấy chứng nhận.
Về lâu dài, tránh những trường hợp tương tự, có lẽ cơ quan quản lý cần có cơ chế thông tin thường xuyên, minh bạch về dự án đã thực hiện đủ thủ tục đầu tư, hoàn thành mọi nghĩa vụ với Nhà nước hay chưa hoàn thành trước khi được mở bán. Muốn làm như vậy, không ai khác ngoài cơ quan quản lý phải theo sát dự án trong trường hợp chủ đầu tư còn nợ tài chính, nếu mở bán có ngay biện pháp xử lý thu hồi và cảnh báo người mua biết. Còn người mua, vẫn là lời khuyên, phải hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua một tài sản lớn là ngôi nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.