Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có ưu thế riêng nào cho nữ đạo diễn

Thi Thi| 14/04/2013 06:44

(HNM) - Đạo diễn Phan Huyền Thư thuộc



Là một nghệ sĩ đầy cá tính, nhiều sáng tạo, chị không còn xa lạ với giới văn nghệ và công chúng ở cả sự thành công lẫn những điều tiếng. Cuộc trò chuyện dưới đây với chị chủ yếu nói về nghề dưới góc nhìn nữ đạo diễn phim tài liệu Việt Nam.

- Thưa đạo diễn Phan Huyền Thư, điều gì khiến chị dù là người rẽ ngang sang điện ảnh tài liệu nhưng lại “chung thủy” với phim tài liệu cho đến hôm nay?

- Tôi đã từng học nhạc từ nhỏ, tốt nghiệp Khoa văn, Đại học Tổng hợp, đi làm báo gần chục năm… nhưng chỉ khi bước chân về Hãng phim Tài liệu & Khoa học TƯ thì tôi mới thực sự được coi là “người của nhà nước”. Chính vì vậy, đây mới là nghề nghiệp chính của tôi. Một con đường khác mà tôi đã âm thầm chọn và đi từ những bước đi đầu đời là việc chữ nghĩa… Việc này không ai trả lương, chẳng cho biên chế, chức danh gì cả… nhưng nó lại là giá trị con người của tôi. Cũng thật ngậm ngùi khi phải nói thật với độc giả rằng, bây giờ đang là lúc tôi cảm thấy ít gắn bó với điện ảnh tài liệu hơn bao giờ hết, sau khi tự nhìn lại quãng đường suốt 14 năm qua… Nếu như cách đây vài năm, người ta hớn hở với việc phải làm sao “đi tắt đón đầu” để vươn lên, bay lên, lao đến hội nhập với thế giới thật nhanh thì hình như hiện tại, chúng ta đang học cách đi vòng vèo, làm sao cho càng lâu tới đích càng tốt thì phải…

Đạo diễn Phan Huyền Thư.


- Khoảng mươi năm trở lại đây, có một số gương mặt nữ đạo diễn phim tài liệu ít nhiều tạo được dấu ấn trong đời sống điện ảnh, cũng như với công chúng như Lê Phong Lan, Phan Huyền Thư, Hải Anh… Theo chị, nữ đạo diễn phim tài liệu có những ưu thế nào không bên cạnh vô vàn thiệt thòi khi dấn thân vào nghề này?

- Làm gì có ưu thế nào hả bạn? Tôi tin rằng nếu được hỏi, cả Lê Phong Lan (một người bạn tôi rất yêu quý và luôn dõi theo từng bước đi của chị ấy) cũng sẽ cảm thấy như tôi thôi. Tôi thấy ngoài việc luôn phải cố gắng hết mình sao cho không bị nam giới xem thường về khả năng thì chẳng có điều gì có lợi khi mình là phụ nữ trong môi trường làm việc này hết! Tôi không phải bạc mồm đâu. Nhưng cũng chính sự bình đẳng hơi lạnh lùng ấy chính là môi trường tốt cho tôi dấn thân và thực sự có những gì do mình tự gây dựng nên.

- Sự nhạy cảm ở phụ nữ chẳng hạn, cũng là một ưu thế đấy chứ?

- Đúng là phụ nữ có sự nhạy cảm nhất định nhưng trong nghề nghiệp này, đó vẫn là yếu tố thuộc về từng cá nhân, chứ không phải là đặc trưng giới.

- Phim tài liệu là sự thật được kể lại, không dàn dựng, tô vẽ… Vậy, đất sáng tạo cho người nghệ sĩ nằm ở đâu, thưa chị?

- Một sự thật được kể lại chưa phải là phim tài liệu, đấy mới chỉ là một phóng sự. Một bộ phim tài liệu thực sự phải là một thông điệp ẩn dụ từ cuộc sống bằng chất liệu của hiện thực. Trước tiên, nó phải được thể hiện bằng ngôn ngữ đặc thù của điện ảnh là hình ảnh và âm thanh. Sau nữa, nó phải được thể hiện thông qua một nghệ thuật kể chuyện, nếu đại ngôn thì đó là “thi pháp điện ảnh hiện thực”, diễn ngôn giản dị hơn thì đó là kỹ năng xây dựng cấu trúc. Làm được như vậy đã quá khó rồi, không cần bàn thêm gì đến đất sáng tạo hay dấu ấn nghệ sĩ nữa…

- Nhiều phim tài liệu của chị không sử dụng lời bình mà để nhân vật tự nói ra câu chuyện của họ. Một số phim của các học trò chị (trong dự án Social Doc - Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh - TPD) gần đây cũng thể hiện theo phong cách này. Chị nghĩ sao về ý kiến cho rằng: Thật ra, sử dụng lời nói của nhân vật cũng chỉ là một cách thể hiện lời bình của người làm phim mà thôi!?

- Một đạo diễn phim tài liệu tinh tế sẽ là người luôn biết cách để cho ai sẽ là chủ nhân của câu chuyện. Không phải lúc nào nhân vật tự dẫn chuyện cũng hay. Không phải lúc nào đạo diễn nhảy vào phim “bô bô” rao giảng, thuyết minh cũng đã là dở… Chẳng hạn, xem trường phái phim của Micheal Moore sẽ thấy bản thân ông ta và trí tuệ của ông ta thông qua những gì ông ấy săn lùng, tìm kiếm để chứng minh, hay phản biện… Phong cách điện ảnh hiện thực trong dự án “Social Doc” không đại diện cho cái gì khác ngoài sự nhận thức và cái nhìn cá nhân của các học viên.

Tôi chưa từng nghe đến thể loại phim nào “tự nhiên chủ nghĩa” hoặc “ngẫu hứng” đến mức người làm phim lại không áp đặt suy nghĩ của mình trong đó? Có chăng là anh ta đã khéo léo để nhân vật trong phim phát ngôn hoặc bộc lộ giúp mình mà thôi. Tôi cũng là loại cực đoan, những thông điệp, chi tiết, nhân vật và bối cảnh không đủ mạnh hoặc rõ ràng để phục vụ cho sự áp đặt tư tưởng của tôi, tôi sẵn sàng từ chối, ngay cả trên bàn dựng phim, ngay cả khi đã thực hiện các cảnh quay…

- Nhiều năm qua chị tham gia giảng dạy cho dự án phim tài liệu của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh - TPD. Liệu có thể lạc quan về một lớp nhà làm phim trẻ say mê điện ảnh tài liệu, đặc biệt là sự xuất hiện của các nữ đạo diễn tương lai không, thưa chị?

- Càng ngày, tỷ lệ các học viên nữ càng đông hơn học viên nam. Các em rất thông minh và tỏ ra tháo vát vô cùng khi luân chuyển liên tục trong các dự án sản xuất phim. Chẳng hạn, một học viên có thể viết kịch bản cho phim này, làm sản xuất, phục trang, quay phim, thậm chí là diễn viên chính trong các dự án phim của các bạn khác trong cộng đồng TPD. Tôi thấy các em nữ có phần vượt trội hơn các em nam về cá tính, về cái nhìn, về cả sự đam mê nữa… Đấy là chuyện thực tế, còn thẳm sâu trong tôi, không có sự phân biệt giới tính với nghề điện ảnh hay nghệ thuật nói chung.

- Xin chân thành cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không có ưu thế riêng nào cho nữ đạo diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.