Phó chủ tịch UBND Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết như vậy tại cuộc họp báo chiều 10/11. Theo đó, khu trung tâm chính trị, hành chính tập trung chỉ chiếm khoảng 32 ha trong tổng số 324 ha dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm.
Số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng chỉ là dự toán, được đầu tư chính vào cơ sở hạ tầng như đường sá, điện nước, đê biển, kè sông…
“Dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm rất quan trọng, được đầu tư lớn nên cần được tính toán kỹ. Việc xây dựng khu Trung tâm chính trị, hành chính tập trung cũng phải được xem xét vào thời điểm thích hợp”, ông Nam nói và cho biết trong tương lai, Hải Phòng sẽ phát triển thành phố theo dọc sông Cấm, sông Lạch Tray.
Lãnh đạo Hải Phòng họp báo chiều 10/11 thông tin về dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm, trong đó bao gồm khu trung tâm hành chính, chính trị của TP. Ảnh: P.C. |
Nói về việc xin ngân sách trung ương khoảng 7.000 tỷ đồng, ông Nam cho rằng, điều này “không có gì là quá đáng” vì Hải Phòng là một trong những địa phương đóng góp vào ngân sách lớn nhất cả nước. Theo đó, năm 2014, Hải Phòng nộp về ngân sách hơn 50.000 tỷ đồng.
Về tiến trình, hiện, dự án mới đang trong giai đoạn báo cáo tiền khả thi. “Dự kiến trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng, kêu gọi đầu tư vào khu đô thị, sau đó tầm 10 năm mới xây dựng các trụ sở trung tâm hành chính, khi các điều kiện khác đã phù hợp” – ông Nam nói.
Nói thêm về điều này, ông Phạm Hữu Thư, Chánh văn phòng UBND TP khẳng định, việc xây dựng khu đô khị mới Bắc Sông Cấm là một trong những hướng quan trọng để xây dựng, phát triển TP Hải Phòng thành đô thị đặc biệt cấp quốc gia.
“Chủ trương này được thông qua từ trung ương đến địa phương và có từ cách đây 12 năm”, ông Thư cho biết.
Phối cảnh tổng thể khu hành chính TP Hải Phòng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng. |
Về ý kiến cho rằng chuyển toàn bộ các trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp sang hết trung tâm hành chính mới sẽ gây lãng phí khi một số đơn vị vừa xây dựng trụ sở mới, ông Nam cho biết, 90% các đơn vị hành chính - chính trị của Hải Phòng đã xuống cấp, chật hẹp.
“Không chỉ là nơi làm việc, trung tâm hành chính còn là bộ mặt thành phố, việc lưu trữ tài liệu cũng quan trọng, nên việc chuyển địa điểm mới là hoàn toàn phù hợp. Còn một số đơn vị mới xây trụ sở, nếu có ý kiến, có thể sẽ được ở lại trụ sở cũ, hoặc có thể sẽ được bán đấu giá để phục vụ xây dựng trung tâm hành chính mới” – ông Nam cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.