(HNMO) – Chiều 10-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Rất nhiều dự án cụ thể đã được các đại biểu chất vấn về tiến độ, hiệu quả sử dụng…
Nhiều dự án không đáp ứng được tiến độ
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng |
Về công tác quản lý Nhà nước của ngành giao thông vận tải đối với các công trình xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải chủ yếu đang thực hiện các chức năng của người quyết định đầu tư và chỉ trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án trọng điểm có quy mô lớn, có kỹ thuật phức tạp, có tính chất liên vùng, liên ngành, đại bộ phận các dự án còn lại Bộ đã phân cấp, ủy quyền cho các Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành và các địa phương làm chủ đầu tư.
Hiện nay, việc giải ngân về xây dựng cơ bản mỗi năm tăng khoảng 15 – 20%. Tuy nhiên Bộ thấy rằng nhiều dự án vẫn còn thiếu sót, tiến độ chưa đáp ứng được theo kế hoạch, chưa đảm bảo được chất lượng của một số gói thầu, một số các dự án và công trình còn phải tiếp tục được sửa chữa. Việc xảy ra sự cố mất an toàn trong quá trình thi công an toàn lao động và đảm bảo giao thông còn nhiều khiếm khuyết. Nguyên nhân chậm tiến độ do các năng lực nhà thầu về công tác giải phóng mặt bằng, do những biến động về chính sách, về giá cả nên chưa đảm bảo chất lượng, thiếu an toàn trong quá trình thi công, tại một số dự án có nhà thầu tư vấn giám sát chưa tuân thủ quy trình thi công, Ban quản lý dự án chưa làm tốt công tác kiểm tra…
“Trên hết, công tác quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản của Bộ mặc dù đã cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển”, Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Hồng Anh về chất lượng các dự án, Bộ trưởng cho biết, thời gian gần đây về mặt quản lý nhà nước, Bộ đã đặt ra rất nhiều các giải pháp để nâng cao chất lượng tiến độ của các công trình, dự án và phần lớn các dự án về mặt chất lượng, tiến độ đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, nhiều dự án, nhiều công trình chất lượng ở một số nơi, một số chỗ chưa đảm bảo, có những dự án vừa đưa vào khai thác đã phải có hiệu chỉnh, đã phải có sửa chữa... Nguyên nhân chính thuộc về công tác chuẩn bị đầu tư mà cụ thể là của tư vấn thiết kế trong nhiều trường hợp chưa sâu sát, chưa đầy đủ và chất lượng chưa tốt; năng lực tài chính của các nhà thầu công trình yếu kém; tư vấn giám sát bị hạn chế từ trình độ năng lực tới trách nhiệm của tư vấn giám sát...
Vừa qua, Bộ đã triệt để phân cấp chủ đầu tư dự án mà hiện nay phần lớn chỉ làm trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư và trực tiếp quản lý làm chủ đầu tư khoảng 14, 15 dự án có qui mô phức tạp, có tính chất liên vùng và liên ngành. Bộ cũng đang tập trung vào công tác thể chế chính sách đối với xây dựng và tập trung vào công tác kiểm tra và kiểm soát dự án.
Đi vào một số dự án cụ thể, như dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Chu Sơn Hà chất vấn về tính hiệu quả của dự án, Bộ trưởng cho biết, đây là con đường chiến lược của quốc gia nên phải xét nhiều mặt, tổng thể và nếu xét như vậy thì con đường này đạt hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, nếu xét trên từng tuyến, thì hiện tuyến từ Kon Tum đến Bình Phước lưu lượng giao thông tăng rất cao, đang có nguy cơ cần phải mở rộng trong giai đoạn tới. Nhưng có một số đoạn ở miền bắc và miền trung thì lưu lượng giao thông chưa cao nhưng đã có tác động tích cực tới phát triển kinh tế vùng.
Về lãng phí xây dựng đường Hồ Chí Minh như chất vấn của đại biểu Vũ Quang Hải, Bộ trưởng khẳng định, về cơ bản giai đoạn 1 không vượt tổng dự toán, còn dư một số vốn và vốn này được sử dụng để tiếp tục kiên cố hóa công trình và tiếp tục một số dự án đường ngang.
“Việc vượt quá ở giai đoạn I không phải là lớn, nó vẫn còn nằm trong phạm vi cho phép”, Bộ trưởng khẳng định.
Hay như dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh -Trung Lương, là dự án chưa hoàn thành, mới xong giai đoạn 1 từ Trung Lương tới nút giao Tân Tạo. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu bức xúc của giao thông trên tuyến này, Bộ vẫn cố gắng cho thông tuyến dịp tết vừa qua vì đủ tiêu chuẩn theo quy định và tuyến đường sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, để thông tuyến toàn diện thì phải tới tháng 1/2011.
Bộ trưởng cũng cho rằng, khi chưa kết thúc dự án có thể còn khiếm khuyết, chỗ đoạn đường dẫn có thể xuất hiện hiện tượng sạt, lở, sụt, lún, nhưng trên đường cao tốc thì không có hiện tượng này. Tuy nhiên, Bộ vẫn sẽ kiểm tra chặt chẽ và nghiêm túc xử lý.
Không có chuyện làm hầm vượt vì khu Thiên đường Bảo Sơn
Lý do tại sao lại làm hầm vượt đường sắt trên đường cao tốc Láng – Hòa Lạc thay vì làm cầu vượt là vấn đề được các đại biểu Chu Sơn Hà, Đặng Thuần Phong đưa ra.
Theo Bộ trưởng, việc đề xuất làm hầm chui chỉ là một trong các giải pháp, phương án kỹ thuật… Còn chi tiết hầm chui ngốn bao nhiêu vốn, thuận tiện bao nhiêu thì, xét về mặt thi công, hầm chui vượt tiến độ.
“Chương trình đến tháng 10 mới thông tuyến, nhưng chúng ta cố gắng tháng 6 đã thông được một bên và nhiều giải pháp kỹ thuật đưa ra mới đầu cũng khó khăn nhưng đến giờ này tôi thấy rằng đây là công trình mà khâu kỹ thuật được giải quyết suôn sẻ. Đến giờ này về chất lượng cũng đảm bảo, về tiến độ đã vượt tốt hơn, còn để xong công trình chúng ta sẽ có nhìn nhận, đánh giá và sẽ có dịp trao đổi sau khi hoàn thành”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, việc xử lý hầm chui hoặc cầu vượt ở đường sắt này cũng có rất nhiều tranh luận. Một quan điểm cho là làm cầu vượt sẽ đơn giản hơn và tiết kiệm hơn, nhưng lại có một loạt ý kiến khác là phải kết hợp với mỹ quan đô thị, không thể nào giữa Thủ đô mà để một chiếc cầu vượt đường sắt lớn như thế…
“Chúng tôi cho rằng giải pháp làm hầm chui qua đường sắt cho đến giờ phút này đang là giải pháp thích hợp và thực hiện được. Tuy chưa kiểm tra và so sánh một cách chi tiết nhưng có thể được hơn, đây là một giải pháp kỹ thuật kèm theo nhiều yếu tố khác, không phải có động cơ hay sự vô trách nhiệm gì trong chuyện này để gây ra lãng phí”, Bộ trưởng khẳng định.
Trả lời thẳng thắn chất vấn của đại biểu Chu Sơn Hà về việc có dư luận cho rằng, sở dĩ phương án làm hầm vượt đường sắt thay vì cầu vượt được đề xuất là có ảnh hưởng lợi ích cá nhân, bởi lối ra của hầm vượt đúng vị trí đường vào khu Thiên Đường Bảo Sơn, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, chắc chắn những người làm dự án không có động cơ này.
“Nếu phát hiện sự việc như vậy thật thì chúng tôi sẽ hợp tác xem xét, giải quyết”, Bộ trưởng nói.
Hành lang giao thông: Khó ở vốn cho GPMB
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Khá, Trần Văn Nhượng, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, trong công tác quản lý giao thông có vấn đề đang nhức nhối là quản lý hành lang an toàn giao thông: bị lấn chiếm rất nhiều, kể cả đường sắt, đặc biệt là ở đường bộ.
Bộ trưởng cho biết, công tác cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ về cơ bản đã được thực hiện, đã được kiểm soát. Tuy nhiên, việc giải tỏa đền bù triệt để thì chưa đủ kinh phí để thực hiện, cho nên những hộ dân có thể không được phép xây mới, không được cơi nới, nhưng trên kiến trúc cũ vẫn được hoạt đông sản xuất kinh doanh, thậm chí hoạt động sản xuất kinh doanh rồi, trồng trọt... bình thường miễn là không mất tầm nhìn, không làm ảnh hưởng đến giao thông. Nhưng cũng có những trường hợp đã được giải tỏa, đã được đền bù và những việc Nhà nước đã đủ cơ sở pháp lý để quản lý nhưng quản lý cũng không được, để dân lấn chiếm, xây cất...
“Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương làm một bước, nhưng chỉ mới duy trì cải thiện được một bước, còn giải quyết triệt để về vấn đề này là chưa được. Chúng tôi xin tiếp tục nhận trách nhiệm và rất mong được chia sẻ của đại biểu Quốc hội với các địa phương trong việc cùng phối hợp với Bộ để thực hiện bảo vệ và giải quyết hành lang an toàn giao thông này”, Bộ trưởng nói.
Trên các đường mới, đường quốc lộ theo tiêu chuẩn, Bộ trưởng khẳng định chắc chắn phải làm đúng quy chuẩn, tức là có đường gom và hàng rào cách ly.
“Ví dụ đường Sài Gòn - Trung Lương thì cơ bản đường cao tốc là có hàng rào cách ly đúng tiêu chuẩn, chỉ có đường dẫn vì nó đi qua khu dân cư thì chưa giải quyết được và các đường cao tốc sắp tới ở đây, ví dụ như Láng - Hòa Lạc đang được thực hiện thì sẽ có những hàng rào cách ly để không có chuyện lấn chiếm hành lang an toàn nữa”, Bộ trưởng nói thêm.
Sẽ chỉ giữ lại những trạm thu phí BOT
Về công tác tổ chức các trạm thu phí đường bộ, theo quy hoạch của Chính phủ năm 1998, cả nước có 62 trạm. Do cần huy động nhiều nguồn lực và để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Việt Nam đều có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư theo hình thức BOT, cho phép các nhà đầu tư được thu phí để hoàn vốn.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có mức thu phí khác nhau cho 2 loại đường bộ: đường bộ do Nhà nước đầu tư và ngân sách Nhà nước và đường bộ đầu tư theo hình thức BOT. Mức thu đối với BOT tối đa bằng hai lần mức thu phí được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.
Về mức thu phí không thống nhất giữa các trạm, khó quản lý, dễ xảy ra tiêu cực trong thu phí, cự ly tương đối gần giữa các trạm thu phí…, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam triển khai các đề án về hợp lý hóa, hiện đại hóa các trạm thu phí, có phương án sắp xếp các trạm thu phí trên quốc lộ cho hợp lý hơn, đề xuất xóa bỏ một số trạm và tạm dừng thu một số trạm.
“Bộ đã soạn thảo nghị định thành lập về quỹ bảo trì đường bộ và nếu quỹ này được thông qua thì có thể xóa các hệ thống trạm thu phí hoàn vốn bằng đầu tư của ngân sách Nhà nước và chỉ còn lại những trạm thu phí BOT do các nhà đầu tư đầu tư”, Bộ trưởng cho biết.
Trả lời đại biểu Phạm Lễ Chi về sự chậm trễ trong dừng hoạt động của các trạm thu phí không đạt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quy trình để dừng hoạt động của một trạm không đơn giản, phải qua một số khâu xem xét và duyệt, liên quan đến Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ nên có chậm trễ.
“Vừa rồi chúng tôi đề xuất có 7 trạm thu phí, trong đó có 4 trạm xin dừng hẳn, 3 tạm tạm dừng vì nó không đủ điều kiện để thu, trong đó có đề nghị dừng hẳn trạm trên quốc lộ 18. Vấn đề này Tổng cục đường bộ làm rất khẩn trương, rất có trách nhiệm. Tuy nhiên quy trình để mà quyết định dừng trạm không phải đơn giản”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đồng tình với nhận xét của đại biểu Nguyễn Văn Ba là việc thu phí giao thông của Việt Nam hiện lộn xộn và lạc hậu, tốn nhân lực. Để cải thiện, hiện Bộ đã thực hiện thu phí một dừng và tiến tới không dừng liên trạm nhưng vì các trạm lại thuộc nhiều chủ đầu tư nên cũng khó trong khâu kết nối quản lý thu phí.
“Cũng phải đồng bộ với các giải pháp khác thì mới thành công được”, Bộ trưởng nói.
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh: Chưa chọn đối tác
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về dự án này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, đến bây giờ, Chính phủ vẫn chưa lựa chọn đối tác cụ thể.
“Trong quá trình các đối tác có giúp chúng ta chuẩn bị dự án nhưng đấy là để chuẩn bị dự án báo cáo để đầu tư. Tài trợ về vốn thì chúng ta cũng có quan hệ, có trao đổi, nhưng bây giờ cũng chưa thỏa thuận với bất cứ một đối tác nào hết”, Bộ trưởng nói.
Chính vì vậy, trong tham mưu với Chính phủ để báo cáo Quốc hội, Bộ cũng không tham mưu cụ thể về một công nghệ cụ thể của một nước nào, một đối tác cụ thể của nước nào. Nếu Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư thì trong bước lập dự án đầu tư, Bộ sẽ có trách nhiệm đi sâu hơn một bước nữa về thỏa thuận về việc tài trợ, thỏa thuận về hướng hợp tác với các đối tác.
“Chủ trương đầu tư này và báo cáo đầu tư sắp tới thực hiện vẫn bỏ ngỏ cho những doanh nghiệp nào, ở những nước nào có công nghệ hợp lý, có công nghệ tương thích mà chúng ta chấp nhận được và có những điều kiện về vốn thích hợp”, Bộ trưởng cho biết.
Tại kỳ họp lần này, đăng đàn trả lời chất vấn chính thức là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Sinh Hùng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.