Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có chuyện bị bỏ đói, ngược đãi

Kim Vũ| 20/03/2012 06:33

(HNM) - Chiều 19-3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) tổ chức họp báo thông tin chính thức về việc 43 nữ lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia bị mắc kẹt tại một ngôi nhà ở thành phố Georgetown.


Cụ thể, theo cung cấp từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia (BQL), từ năm 2010, Việt Nam đưa 100 lao động sang làm lau dọn tại các bệnh viện với mức lương 1.200 - 1.500 ringgits Malaysia/tháng, tương đương với 8-10 triệu đồng Việt Nam.

Chủ sử dụng là Công ty Asmana và Công ty Môi giới House Malaysia. Ngày 8-2-2012, BQL nhận được thông tin các nữ lao động bị cơ quan địa phương tạm giữ vì quá hạn do không có visa. Ngày 14-2-2012, cơ quản lý đã thông báo tới công ty, yêu cầu nhanh chóng làm visa cho lao động và đưa khỏi nơi tạm giữ. Công ty Asmana đã nộp phạt, bảo lãnh lao động và đưa từng nhóm đi khám sức khỏe để gia hạn visa. Trong thời gian đang chuẩn bị gia hạn thì các lao động đã bị Công ty Faber (nhà thầu chính thuê lao động từ Công ty Asmana) chính thức chấm dứt hợp đồng lao động để thuê lao động của công ty khác. Tháng 2-2012, công ty tạm thanh toán tiền lương cơ bản cho họ.

Đại sứ quán Việt Nam đã trực tiếp làm việc với Công ty Asmana yêu cầu có biện pháp giải quyết, tiếp tục ký hợp đồng lao động với các lao động này. Phía công ty cho biết lao động nào có nguyện vọng về nước, công ty sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện. Lao động tiếp tục làm việc sẽ được bố trí làm việc ở nơi cũ, hoặc mới nhưng với điều kiện cơ quan nhập cư phải cấp giấy phép để lao động Việt Nam ở lại hợp pháp. Trong thời gian này, công ty vẫn trả lương, cung cấp ký túc xá cho lao động ở lại.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thì việc đưa lao động đi XKLĐ hoàn toàn hợp pháp và đúng trình tự. Các vướng mắc chỉ phát sinh khi nhà thầu Faber dừng hợp đồng lao động của Công ty Asmana để tuyển lao động ở công ty khác. Trong nội bộ Công ty Asmana đã phát ra những thông tin phiến diện, khiến việc nhìn nhận, tiếp thu thông tin gây bức xúc.

Hiện còn lại 43 lao động muốn làm việc bình thường vì vậy các cơ quan liên quan yêu cầu Công ty Asmana làm việc với Faber, sau khi khám sức khỏe, có visa, các lao động lại trở lại làm việc bình thường. Còn cuộc sống, nơi ăn, chốn nghỉ, trong thời gian chờ đợi vẫn được nhận một mức lương cơ bản là 500 ringgit = 3,4 triệu đồng/1 tháng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không có chuyện bị bỏ đói, ngược đãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.