Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là chuyện tri ân!

Mai Hoa| 14/06/2016 16:13

(HNMO) - “Thông qua buổi tọa đàm “nhà báo Hồng Chương với Báo chí cách mạng Việt Nam”, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn tạo điều kiện để các nhân chứng, các nhà khoa học, các đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam, coi đây là một hình thức hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam”.

Các đại biểu dự tọa đàm.


Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm “Nhà báo Hồng Chương với Báo chí cách mạng Việt Nam”, tổ chức sáng 14-6 tại trụ sở Tạp chí Cộng sản (28 Trần Bình Trọng - Hà Nội). Theo đồng chí Hồ Quang Lợi, hơn cả một hoạt động tri ân, buổi tọa đàm cũng chính là một bước đi cần thiết, góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2016) và nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Giáo sư, nhà báo Hồng Chương (1/5/1921 – 1/5/2016), diễn ra trọn vẹn một buổi sáng ngày 14-6, thu hút sự quan tâm và tham gia tham luận của nhiều lãnh đạo cấp cao và các nhà lý luận tên tuổi. Trong phát biểu khai mạc buổi tọa đàm nhiều ý nghĩa này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, nhà báo Hồng Chương thực sự trở thành một trong những nhà báo tiêu biểu của báo chí cách mạng Việt Nam”.

Giáo sư, nhà báo Hồng Chương (1921-1989) tên thật là Trần Hồng Chương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, báo chí và văn học, đồng chí đã công tác liên tục 30 năm tại Tạp chí Học tập – nay là Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn, hiệu quả, cùng cộng sự góp phần xứng đáng vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động lý luận, báo chí của Đảng.

Bàn về những đóng góp của đồng chí Hồng Chương với Tạp chí Cộng sản, PGS, TS. Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Trong thời gian công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Hồng Chương đã có hơn 150 bài viết đăng trên Tạp chí Học tập, Tạp chí Cộng sản, hầu hết là những bài nghiên cứu, lý luận, đòi hỏi phải được chuẩn bị, suy nghĩ rất công phu trước khi viết ra, thể hiện đúng những quan điểm của Đảng, có những tìm tòi, phù hợp với tình hình thực tế, phát huy tác dụng tốt trong chỉ đạo thực tiễn về các vấn đề: khoán trong nông nghiệp; kế hoạch ba phần..., là cơ sở góp phần cùng toàn Đảng tìm ra định hướng đúng và những quan điểm đúng cho công cuộc đổi mới trong giai đoạn tiếp theo của Cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Hồng Chương đã để lại nhiều bài học quý báu cho các thế hệ cán bộ, biên tập viên. Thứ nhất, phải luôn luôn gắn bó, bám sát thực tế cuộc sống. Thứ hai, phải coi trọng công tác nghiên cứu, tự học hỏi để trau dồi kiến thức. Thứ ba, nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thứ tư, cẩn trọng với công việc, giản dị, khiêm tốn với bản thân và gần gũi, chân thành với đồng nghiệp. Đồng chí Vũ Văn Phúc khẳng định: “Bên cạnh việc làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý, công việc chuyên môn nghiệp vụ, đồng chí Hồng Chương còn là một nhân cách lớn để chúng ta học tập. Là một đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo - dù ở cương vị nào, đồng chí Hồng Chương luôn gần gũi, chân tình với anh em, đồng nghiệp, nhưng với công việc thì luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, tính nguyên tắc. Một trong những đức tính quý báu của đồng chí là, khi bình thường thì lắng nghe và suy nghĩ nhiều, nói ít, song lúc gặp những ý kiến mà bản thân đồng chí cho là không ổn, không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, thì lập tức xung trận làm rõ phải trái. Công việc khi đã phân công cho cán bộ, đồng chí đều nhắc nhở thường xuyên và tạo mọi điều kiện để cán bộ hoàn thành. Chính tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, nhân cách và lối sống giản dị, chân thành, đồng chí Hồng Chương đã là tấm gương cho cán bộ, biên tập viên học tập, noi theo và trưởng thành”.

Các đại biểu đã lắng nghe và trao đổi xung quanh các tham luận về giáo sư, nhà báo Hồng Chương của các đồng chí: Hà Đăng - nguyên ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TƯ (nay là Ban Tuyên giáo TƯ); Vũ Văn Hiền – nguyên ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên TBT Tạp chí Cộng sản; nhà báo Phan Quang – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Uyển – nguyên Trưởng ban Công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Vũ Hoàng Công – nguyên BTV Ban Chính trị – Tạp chí Cộng sản; các nhà báo Phạm Tất Thắng, Phạm Hiệp, Vũ Ngọc Lân… Rất nhiều câu chuyện với các chi tiết chân thực, sống động về cuộc đời, sự nghiệp của nhà báo lão thành Hồng Chương được tái hiện, trở thành bài học, tấm gương quý giá cho các thế hệ cán bộ, phóng viên, BTV...

Nhân dịp này, đồng chí Hồ Quang Lợi đã đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tiếp nhận các kỷ vật, tài liệu quý của giáo sư, nhà báo Hồng Chương từ đại diện gia đình cố nhà báo lão thành này. Đây là một hoạt động giàu ý nghĩa nhằm chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là chuyện tri ân!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.