Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi trong "nước" cho"cò” bớt quậy

Dục Tú| 15/04/2013 05:46

(HNM) - Ở Việt Nam, từ "cò" còn được dùng chỉ người tham gia hoạt động môi giới để hưởng hoa hồng. Tuy thế, "cò" thường được dùng với người tham gia hoạt động nói trên một cách không chính thống, tức không đủ điều kiện để được pháp luật thừa nhận.


Không thể đưa ra số liệu để biết được hiện tại có bao nhiêu tổ chức, cá nhân được quyền xưng danh "môi giới", cũng không thể biết hiện có bao nhiêu "cò", dù hệ lụy xấu là không nhỏ. Mới vài ngày trước, truyền thông đưa tin một "cò chung cư" bị bắt tại Đà Nẵng. Trước đó là tin "cò" cảng tàu khách Bãi Cháy lộng hành, làm mất lòng tin ở du khách. Trước nữa, có tin phản ánh người đi mua nhà thu nhập thấp, căn chung cư có giá 400 triệu đồng mà "cò" xin của khách "phần dôi dư" lên đến 90 triệu. Nghe mà hãi!...

Không biết có nước nào nhiều người "buôn nước bọt" như ở Việt Nam hay không? Ở ta, dường như nhìn đâu cũng thấy "cò", mà một phần không nhỏ trong số họ không đủ điều kiện để được hành nghề. "Cò" nhà đất (xin lỗi những nhà môi giới bất động sản nghiêm túc), "cò" xuất khẩu lao động, "cò" mô tô xe máy, "cò" giúp việc, "cò" công chứng, "cò" bệnh viện, "cò" nhà trọ sinh viên, "cò" làm thủ tục vay vốn ngân hàng… Thậm chí còn có thông tin về "cò"… mại dâm, "cò"… phá thai, "cò"… lấy chồng ngoại, "cò"… chạy án, nghe qua đã thấy không thể chấp nhận được.

Nhiều người nắm lấy bàn tay chìa ra của "cò" nhưng, có lẽ, đa số không mấy thiện cảm với họ. Đơn giản vì trong thực tế đã có quá nhiều chuyện không hay gắn liền với hành tung của "cò". Nhiều người mất tiền oan, bị lừa, bị xâm hại thân thể. Công chức nhà nước, đặc biệt là người nắm giữ hoặc có cơ hội tiếp xúc với thông tin "nhạy cảm", như về quy hoạch đất đai, phân bổ chỉ tiêu… có thể sa bẫy quyền lợi của "cò", bán thông tin để họ sử dụng vào mục đích kiếm chác. Trong trường hợp này, hệ lụy thường lớn hơn nhiều so với những vụ "cò… lẻ tẻ". Người ta nói rằng, một trong số những nguyên nhân làm cho giao dịch bất động sản ảm đạm trong thời gian qua có sự đóng góp của "cò". Với nhiều người, có lẽ là rất nhiều người lao động hưởng lương đơn thuần, số căn hộ "dôi dư" mà "cò" muốn đút túi hoa hồng môi giới quá cao là nguyên nhân khiến họ không đạt được mục tiêu mua được một căn hộ chung cư. "Cò… quậy" còn là nguyên nhân dẫn đến sự lộn xộn - ở mức độ nào đó - đối với một lĩnh vực xã hội, có khi gây trở ngại cho việc thực hiện chính sách chung của Nhà nước.

Đã đến lúc không thể không tính đến, một cách nghiêm túc hơn về hoạt động môi giới, đặc biệt là về các loại "cò nhảm nhí", nhằm đưa hoạt động này vào quy củ. Quốc hội đã ban hành nhiều luật, trong đó có các điều khoản về môi giới thương mại, môi giới bất động sản; với các chế tài điều chỉnh hành vi vi phạm pháp luật nói chung, cơ sở điều chỉnh có thể tìm thấy trong các bộ luật khác, như Luật Dân sự, Luật Hình sự… Vậy, còn cần thêm gì nữa để đưa "cò" vào khuôn khổ?

Dân gian có câu "đục nước béo cò", khá đúng với môi trường xã hội của "cò… quậy". Muốn "cò" bớt quậy, tốt nhất là không tạo cơ hội để "quậy", điều cần nhất là minh bạch thông tin, đặc biệt là những loại thông tin liên quan đến nhu cầu rộng lớn của người dân; xử lý triệt để sai phạm của "cò" và những người - hành vi "hà hơi tiếp sức" cho "cò" lộng hành, gây hậu quả xấu. Thông tin ấy bao gồm cả vấn đề giá cả, thủ tục, quy trình phân phối, đầu mối giao dịch, điều kiện giao dịch, quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp… Càng rõ ràng bao nhiêu thì "cò" xấu càng ít có cơ hội tác oai, tác quái bấy nhiêu.

Cũng có thể nghĩ đến việc siết quy định hành nghề môi giới ở mức chặt chẽ hơn so với hiện tại, thanh lọc đội ngũ và hướng các thành viên còn lại vào tổ chức có quy mô toàn quốc, như hiệp hội về môi giới bất động sản, hiệp hội về môi giới lao động…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi trong "nước" cho"cò” bớt quậy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.