Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông nguồn lực

Gia Khánh| 14/08/2022 06:13

(HNM) - Theo số liệu mới nhất, cơ quan chức năng đã rà soát hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, với diện tích hơn 5.000ha.

Cũng theo cơ quan chức năng, trong số 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, sau Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay đã xử lý 68 dự án và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, đề xuất xử lý 67 dự án.

Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đến nay đã xử lý xong 213 dự án. Trong đó, có 105 dự án chủ đầu tư đã chủ động khắc phục tồn tại; 37 dự án với tổng diện tích 1.878,7ha, đã kiến nghị thành phố thu hồi đất; 71 dự án với tổng diện tích 12,3ha chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố Hà Nội quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng… Những dự án còn lại, liên ngành thành phố tiếp tục phân loại, xử lý…

Thực tế, câu chuyện dự án bỏ hoang chậm đưa đất vào sử dụng đã gây bức xúc dư luận lâu nay. Bởi đất đai - một nguồn lực quan trọng nhưng lại để lãng phí nghiêm trọng. Bởi xin đất làm dự án nhưng quây rào để đấy hết năm này sang năm khác trong khi thành phố lại thiếu đất để phục vụ phát triển. Bởi nhiều năm qua, HĐND thành phố Hà Nội đã có chương trình giám sát xử lý các dự án bỏ hoang, nhưng việc xử lý còn chưa như mong muốn. Bởi có chủ đầu tư được mời làm việc năm lần bảy lượt nhưng bất hợp tác... 

Điều đó cũng cho thấy, ngoài nguyên nhân chủ đầu tư gặp khó khăn bất khả kháng (như dịch bệnh) hay bất cập trong quy định của pháp luật, còn có chủ đầu tư cố tình chây ì, không thực hiện đúng cam kết; cơ quan chức năng chưa kịp thời xử lý vi phạm của nhà đầu tư được giao đất…

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội vào ngày 9-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu, đến hết tháng 10-2022 phải có phương án xử lý của từng dự án, kèm theo nguyên tắc phân rõ trách nhiệm của từng sở, ngành. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị nguyên tắc dự án lớn làm trước, nhỏ làm sau và tuân thủ các quy định về gia hạn của Luật Đất đai và Luật Đầu tư…

Để xử lý sớm dự án chậm triển khai, trước hết cần thống kê, phân loại dự án. Dự án chậm do nhà đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc về quy định thì hỗ trợ tháo gỡ, thúc đẩy triển khai. Bên cạnh đó, chủ động tham vấn, trao đổi thông tin, tạo điều kiện để chủ đầu tư khắc phục tồn tại. Ngược lại, với dự án chủ đầu tư cố tình không triển khai cần sớm thu hồi đất; đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý khác với dự án vi phạm về thuế, quy hoạch, xây dựng… Hơn hết, các sở, ngành cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chủ động tham mưu giải quyết công việc.

Đất đai là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Dự án bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng có thể coi là “điểm nghẽn” cản trở nguồn lực này. Vì thế, việc kiểm tra, rà soát các dự án phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ hằng năm. Quan trọng nhất là xử lý ngay vi phạm, không để xảy ra tình trạng dự án bỏ hoang.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.