Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông “điểm nghẽn” để bứt phá

Duy Biên| 10/12/2019 06:29

(HNM) - Hơn một thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Dẫn chứng là, nếu như năm 2005, lượng du khách quốc tế đến nước ta mới đạt mốc hơn 3 triệu lượt, thì đến năm 2018, con số này đã lên tới hơn 15 triệu lượt...

Đặc biệt, giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đạt 12,8%/năm và trong 11 tháng của năm 2019, đã có gần 14,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng này rất đáng ghi nhận khi mặt bằng tăng trưởng du lịch ở khu vực Ðông Nam Á chỉ 5% và trên phạm vi toàn cầu chỉ 4%.

Du lịch tăng trưởng kéo theo hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ. Các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng tạo được thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế... Đặc biệt, nguồn thu từ du lịch giúp nhiều địa phương phát triển, người dân có việc làm, thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ngành Du lịch Việt Nam phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trong đó có thể thấy, công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn; chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế; tình trạng "thừa chỗ ngủ nhưng thiếu chỗ vui chơi, giải trí" xảy ra ở nhiều điểm đến; sản phẩm du lịch chưa phong phú, tay nghề và trình độ ngoại ngữ của lao động trong ngành Du lịch chưa cao...

Những mặt hạn chế này đã được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước nhìn nhận và thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam lần thứ 2, năm 2019 được tổ chức ngày 9-12 tại Hà Nội; từ đó tìm ra các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Một trong những giải pháp hàng đầu cần tháo gỡ hiện nay để đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước là phải có chính sách thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Cùng với đó là đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đi đôi với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá thương hiệu, gắn liền với tích cực triển khai hợp tác quốc tế về du lịch, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến du lịch.

Tiếp đó, ngành Du lịch cần đặt trọng tâm vào phát triển dịch vụ có chất lượng, có thương hiệu, có tính chuyên nghiệp và hiện đại trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế quốc gia, phát huy tính liên ngành, liên vùng và vai trò của các doanh nghiệp.

Đối với phát triển sản phẩm và định hướng thị trường, cần tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, có thế mạnh nổi trội.

Bên cạnh đó, cần xác định thị trường mục tiêu, phân khúc thị trường theo mục đích du lịch và khả năng thanh toán; ưu tiên thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày... Tất cả là để từng bước tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Việt Nam.

Việt Nam được xếp thứ 24/141 quốc gia về tài nguyên du lịch. Đây là tiềm năng, tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Tuy nhiên, để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh, cần phải khơi thông các “điểm nghẽn” để tạo ra sức bứt phá cho “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.           

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông “điểm nghẽn” để bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.