(HNM) - Ngày nhóm họp đầu tiên của Quốc hội Ukraine đã diễn ra suôn sẻ với việc 5 đảng phái chính thức đặt bút ký thỏa thuận thành lập liên minh
Sự tập hợp các thành viên của "Khối Poroshenko", "Tự cứu", "Mặt trận Nhân dân", "Cấp tiến" và "Đất mẹ" đã hội 302 nghị sĩ, đáp ứng được quy định về việc thành lập một liên minh. Đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, Thủ tướng Arseny Yatseniuk tiếp tục giữ vị trí người đứng đầu Chính phủ mới của Ukraine.
Tổng thống Petro Poroshenko (giữa), Thủ tướng Arseny Yatseniuk (phải) và Chủ tịch Quốc hội Ukraine Volodymyr Groysman trong phiên họp quốc hội đầu tiên. |
Về cơ bản, kết quả này không có sự thay đổi so với những dự đoán trước đó. Các bước đi theo đúng trình tự lập pháp và không vấp phải những tranh cãi chính trị gay gắt ít nhất cũng mang đến cảm giác yên ổn cho dân chúng để họ tin rằng đất nước Ukraine đang hoàn tất những nền tảng nhà nước cơ bản trước khi bước vào một lộ trình mới trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước bờ vực sụp đổ và một phần lãnh thổ vẫn chưa im tiếng súng. Hơn bất kỳ ai, Thủ tướng A.Yatseniuk hoàn toàn ý thức được những thử thách mà chính phủ của ông sẽ phải đối diện khi khẳng định "trách nhiệm lịch sử đang đè nặng lên vai chúng ta. Chúng ta cần phải khôi phục đất nước và giành lấy quyền độc lập cho mình". Trách nhiệm ấy xuất phát từ thực tế rằng người dân Ukraine đã mất mát quá nhiều cho cuộc "cách mạng" mang màu sắc dân chủ phương Tây. Từ một nền kinh tế thịnh trị, ấm no, giờ đây, hàng nghìn gia đình Ukraine đã biết thế nào là nỗi đau mất người thân vì bạo lực, mất nhà cửa vì loạn lạc và một cuộc sống bấp bênh bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, điều trớ trêu là việc nhận thức được thử thách là một chuyện nhưng có tìm ra lối thoát hay không lại là một vấn đề khác. Và đây chính là "điểm chết" của Ukraine trong giai đoạn hiện nay. Đặt mục tiêu bằng mọi cách cải thiện nền kinh tế đang có xu hướng "về mo" để làm đẹp hình ảnh trước các chủ nợ phương Tây trong bối cảnh nền tảng tài chính suy sụp do bị cắt đứt những mối liên kết sâu rộng với Nga khiến triển vọng này được nhìn nhận vẫn còn rất xa.
Một ưu tiên nổi bật đã được Chính phủ Ukraine xác định trong thỏa thuận thành lập liên minh tại Quốc hội là việc Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nguyện ước này từ lâu đã được Ukraine tỏ bày kể từ khi nhất quyết "dứt áo" khỏi mọi sự ảnh hưởng tự nhiên và truyền thống của nước Nga sát vách để hướng về phương Tây xa xôi. Tổng thống Petro Poroshenko cũng vừa đưa ra ý tưởng tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng này khi một số thăm dò dư luận cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, phần lớn người dân Ukraine ủng hộ mong muốn trở thành thành viên của NATO. Có lẽ với những người dân đã mệt mỏi vì chiến sự, gia nhập tổ chức quân sự danh tiếng này sẽ là sự bảo đảm an ninh cho đất nước và chính họ giữa lúc lịch sử đã lựa chọn cho Ukraine một người "hàng xóm" quá hùng mạnh là nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin. Phải nói rằng, bản thân NATO cũng đã có những động thái nhất định nhằm thể hiện sự "bênh vực" đối với quốc gia bên bờ Biển Đen đang phải "dơ đầu chịu báng" trước cuộc tranh giành quyền lực căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Thế nhưng, cũng chính tổ chức này lại phát đi những tín hiệu yếu ớt liên quan đến chuyện sẽ để một quốc gia Đông Âu như Ukraine trở thành một bộ phận chính thức. Dù không có một tiêu chuẩn cụ thể nào cho việc kết nạp thành viên mới, nhưng một lực lượng quân đội được đánh giá là tham nhũng tràn lan, trang bị nghèo nàn mà Kiev đang sở hữu khiến bộ "hồ sơ đăng ký" của nước này mất đi phần đẹp đẽ. Đó là chưa kể đến việc Ukraine bắt buộc phải bảo đảm an ninh biên giới trước khi được "xét duyệt". Ngoài những lý do đó, thái độ coi chuyện Kiev tham gia NATO là "điều cấm kỵ" của Mátxcơva cũng là một nguyên nhân buộc tổ chức quân sự này phải cân nhắc thiệt hơn. Với "khẩu khí" của điện Kremlin, chắc chắn Nga sẽ không chịu ngồi im để nhìn NATO kéo đến trước cửa nhà với hàng loạt nguy cơ về an ninh. Trong điều kiện cả phương Tây và Nga đều đã giáng những đòn chí mạng vào nhau thông qua cuộc khủng hoảng tại Ukraine, NATO chưa sẵn sàng và cũng chưa muốn "nhấn ga" thêm một bước nữa để "chọc giận" Mátxcơva.
Dẫu vậy, Ukraine đang bắt đầu bước vào một quỹ đạo chính trị mới theo như sự lựa chọn của nước này sau quá trình lập pháp thuận lợi và êm ả. Trong vô vàn khó khăn mà quốc gia bên bờ Biển Đen phải đối diện trên con đường hướng Tây, những gì đã đạt được là kết quả đáng mừng trong một hành trình vượt khó đầy chông gai phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.