(HNM) - Sau hàng loạt tuyên bố đầy mâu thuẫn, Nga, Liên minh Châu Âu (EU) cùng đồng minh Mỹ và Chính phủ tạm quyền Ukraine đã đặt bút ký tuyên bố chung như một thỏa thuận tạm thời sau một hội nghị diễn ra ngày 17-4 tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm tránh một cuộc nội chiến đã cận kề ở miền đông Ukraine.
Ngay lập tức, nhiều nước trên thế giới bày tỏ lạc quan về những nỗ lực nhằm góp phần giảm leo thang căng thẳng trong mấy ngày qua tại Ukraine. Theo đó, các bên tham gia hội nghị 4 bên này thống nhất các bước đi đầu tiên nhằm giảm tình hình căng thẳng và khôi phục an ninh; ưu tiên các nỗ lực nhằm tránh mọi hành động vũ lực, đe dọa hoặc khiêu khích; đồng thời giải giáp các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Một lệnh ân xá cho những người biểu tình cũng sẽ được ban hành… Tuyên bố chung cũng khẳng định Nga, EU và Mỹ sẽ ủng hộ phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) trong hỗ trợ chính quyền Ukraine và các cộng đồng địa phương giảm căng thẳng ngay trong những ngày tới. Tình hình kinh tế và tài chính kiệt quệ hiện nay của Ukraine được đề cập tại điểm cuối của tuyên bố chung gồm 7 điểm với hứa hẹn sẽ được các bên "thảo luận".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại cuộc gặp 4 bên ở Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: AFP |
Như vậy, sức nóng từ "chiến dịch đặc biệt" hay "chiến dịch chống khủng bố" được Chính phủ tạm quyền Kiev khai hỏa ngày 15-4 tại miền đông Ukraine đã bước đầu hạ nhiệt. Thế nhưng, ngoài khoảng lặng như đã thấy sau cuộc gặp Geneva, dư luận quốc tế không khỏi hoài nghi về sự đồng thuận được cộng đồng quốc tế đánh giá là dấu hiệu tích cực này trong tương lai. Sự hoài nghi đó hoàn toàn có cơ sở khi đồng thời với cuộc gặp 4 bên tại Geneva về Ukraine, ngày 17-4, Nghị viện Châu Âu đã kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với LB Nga. Ngay sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Anh và Mỹ, một thông điệp mới đã được đưa ra về một lệnh trừng phạt có thể làm "tổn thương" hơn nữa xứ Bạch dương nếu các thỏa thuận vừa đạt được về Ukraine không được thi hành. Trên bình diện quân sự, Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu, ngày 16-4, đã quyết định tăng cường hệ thống phòng thủ các nước Đông Âu. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen "tiết lộ" một loạt biện pháp quân sự đã được 28 quốc gia thành viên của khối tán đồng như: Gia tăng các phi vụ tuần thám tại biển Baltic, miền đông Địa Trung Hải cũng như thao luyện quân sự chung giữa các thành viên NATO... Giới chức NATO khẳng định các biện pháp như vậy chỉ mang tính "phòng thủ" và không phải là mối đe dọa đối với Nga. Cho đến nay, NATO đã không triển khai bộ binh, hay gia tăng sự hiện diện tại Biển Đen. Rõ ràng, phản ứng có lựa chọn của NATO cho thấy, thực tế là khối này khó có thể mạo hiểm tại Ukraine - một quốc gia không phải là thành viên. Làm rõ hơn luận điểm này, Giáo sư Jeffrey Addicott, Giám đốc Trung tâm Luật chống khủng bố thuộc Đại học St.Mary, bang Texas (Mỹ) trả lời phỏng vấn của RIA Novosti ngày 17-4 cho rằng, NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu là hành động mang tính biểu tượng và rằng, Tổng thống Vladimir Putin hiểu rõ việc NATO điều thêm tàu và máy bay đến Đông Âu thực sự không có nhiều ý nghĩa.
Về phía Nga, câu chuyện Crimea không được nêu trong tuyên bố chung sau cuộc gặp 4 bên tại Geneva đã khẳng định việc vẽ lại bản đồ Nga vừa qua là chuyện đã rồi; và, không thể đảo ngược. Đối thoại trực tiếp với người dân Nga trong gần 4 giờ trên truyền hình (ngày 17-4), Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: Nga không e ngại NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu và đưa ra nhận định rằng, cả Nga lẫn NATO đều không mong muốn tạo ra bầu không khí thù địch trong khu vực và tương lai của Ukraine thuộc về người Ukraine. Tổng thống V.Putin còn khẳng định Nga sẵn sàng là láng giềng tốt của quốc gia đang lâm vào khủng hoảng đáng sợ nhất kể từ kết thúc Chiến tranh lạnh... Dẫu vậy, Đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko cho biết, Nga sẽ áp dụng mọi biện pháp để bảo đảm an ninh và sự ổn định quốc gia.
Các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Nga đã lan rộng khắp miền đông Ukraine. Họ không công nhận tính hợp pháp của Chính phủ tạm quyền hiện nay tại Ukraine và làm dấy lên làn sóng ly khai chưa từng có tại Kharkov, Donetsk, Gorlovka, Slaviansk và Kramatorsk... Để đối phó, Chính phủ tạm quyền Kievev đã sử dụng lực lượng vũ trang hiện có để trấn áp. Máu của người dân miền đông Ukraine đã đổ. Hy vọng cuộc gặp 4 bên tại Geneva không là khoảng lặng ngắn ngủi trong va chạm quan hệ Đông - Tây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.