(HNMO)- Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên lề Quốc hội ngày 5- 4, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam; Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng khẳng định, tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Khoán chi là giải pháp cần thực hiện nhằm ngăn chặn hiện tượng chi vượt định mức, sử dụng kinh phí sai mục đích.
-Cơ sở nào khiến bà cho rằng lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi?
- Cách đây hơn 10 năm, cử tri từng khen một đồng chí bộ trưởng. Khi được bổ nhiệm từ thứ trưởng lên bộ trưởng thì văn phòng có gợi ý mua một xe ô tô mới để cho tương xứng với vị trí mới thì đồng chí đã kiên quyết từ chối, bảo rằng xe này vẫn tốt. Nhiều năm làm Bộ trưởng, đồng chí vẫn đi xe cũ nhưng công việc của bộ đó thu lại được rất nhiều đổi mới. Tiếc rằng, việc đáng biểu dương này chưa được nhân rộng ở nhiều đơn vị. Kết quả thanh kiểm tra của Thanh tra Chính phủ vừa công bố còn cho thấy, rất nhiều đơn vị chi tiêu vượt định mức.
Đơn cử, Bảo Hiểm Tiền gửi Việt Nam trong 2 năm 2011 và 2012 đã chi vượt kế hoạch tới 45 tỷ đồng. Riêng năm 2011, đơn vị này chi mua điện thoại và cước di động không đúng đối tượng tới 1 tỷ đồng, mua vali, cặp công vụ sai quy định hơn 3,2 tỷ đồng. Năm 2012-2013, Bảo hiểm tiền gửi chi trang phục giao dịch vượt hơn 3,4 tỷ đồng, chi tập huấn trong nước vượt 1,2 tỷ đồng, chi đào tạo, tập huấn nước ngoài hơn 500 triệu đồng. Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam còn trích lập quỹ khen thưởng hội đồng quản trị vượt mức 3 tháng lương thực tế là 533 triệu đồng, chi thưởng danh hiệu cho tập thể, cá nhân vượt mức quy định là trên 7 tỷ đồng.
-Theo bà, khoán chi có chống được lãng phí không?
- Nước ta điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiết kiệm luôn luôn phải là quốc sách hàng đầu. Tôi kiến nghị Chính phủ là chống lãng phí nên bắt đầu từ những việc nhỏ, những việc rất cụ thể thì sẽ thiết thực hơn. Trong đó khoán chi tất cả vào lương, đồng thời tăng cường giám sát để thực hiện kỷ cương thu, chi ở tất cả các lĩnh vực là điều kiện cấp thiết. Hiện nay chủ trương này đã được thực hiện tại một số nơi bao gồm cả việc khoán định mức chi thường xuyên cho từng đầu mối đơn vị nhưng hiệu quả và cách thức thực hiện còn chưa có được kết quả như kỳ vọng. Nếu làm được như vậy, chắc chắn Quốc hội sẽ không phải bấm nút thông qua các số bội chi, từ đó đất nước ta sẽ giàu lên và chắc chắn sẽ phát triển bền vững.
-Chủ trương khoán xe công đã được đưa ra bàn từ năm 2007, thế nhưng rất ít bộ, ngành thực hiện. Vì sao thưa bà?
- Cả nước có 40.000 xe công (chưa tính tới số xe Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp nhà nước), ngân sách hằng năm phải bỏ ra gần 13.000 tỉ đồng để vận hành số xe công này, bình quân lên tới 320 triệu đồng/xe/năm. Với 40.000 xe công này, trị giá tài sản xe công là hơn 20.600 tỉ đồng. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có hướng dẫn chi tiết, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khoán xe công sẽ thu được những hiệu ứng tích cực, chống lãng phí được từ địa phương đến trung ương và các bộ, các ngành.
Minh chứng rõ ràng nhất, gần đây người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài chính rà soát, lập phương án so sánh tổng chi phí một đầu xe ôtô theo hình thức mua mới (tiền mua xe, sửa chữa, bảo hành, tiền xăng, lái xe...) và hình thức thuê xe, từ đó đề xuất phương án thí điểm thuê xe phục vụ công tác cho các sở ngành, quận huyện. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính xây dựng phương án thí điểm khoán kinh phí tự túc phương tiện cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ôtô khi đi công tác. Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội đã sẵn sàng đứng ra nhận là người đầu tiên thực hiện thí điểm chủ trương khoán xe công khi đi công tác của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
-Bà có cho rằng nên nhân rộng mô hình trên, nếu nơi nào làm tốt hay chưa tốt, đưa vào chỉ tiêu thi đua hoặc có thể thưởng phạt cho tương xứng?
-Tôi rất ủng hộ. Trước hết, tôi mong người đứng đầu Sở văn hóa sẽ đứng ra thuyết phục cán bộ cấp dưới cùng thực hiện chủ trương khoán xe công- đã cải cách phải cải cách đến cùng cử tri sẽ rất hoan nghênh. Nhìn rộng ra, khoán xe công sẽ là giải pháp giảm thiểu tình trạng cán bộ, lãnh đạo lạm dụng chức quyền, biến xe công làm của riêng như đi chơi, về quê, đám hiếu, đám hỉ, đồng thời cũng giúp ngăn chặn tình trạng chạy đua mua xe công bất hợp lý tại các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương. Khoán xe công cũng sẽ giảm các khoản chi thường xuyên như trả lương cho lái xe, chi phí bến bãi đậu xe, chi phí bảo trì, bảo dưỡng… mà nếu tính toán đó là một khoản không hề nhỏ.
Tuy nhiên, định mức khoán thế nào cũng phải bàn kỹ để bảo đảm công bằng. Tôi lấy ví dụ, cùng là phó giám đốc nhưng có người mảng việc rất ít đi cơ sở, người thì lại đi rất nhiều. Do đó, không phải cùng là phó giám đốc thì được hưởng định mức như nhau. Do đó, xây đựng định mức là trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn, dựa trên tính toán từ cơ sở thực tiễn và phải được lấy ý kiến tham khảo của từng đơn vị trong cơ quan để bảo đảm công bằng.
Kết quả khóan thế nào cũng cần công khai trừ quốc phòng, an ninh để cho dân có thể biết, giám sát xem ở nơi nào đã chi đúng. Nếu làm được việc này thì chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.