(HNM) - Tại hội thảo
Vấn đề đầu tiên là sử dụng vốn không hợp lý. Vốn nghiên cứu nhiều hay ít tùy theo số lượng chứ không phải chất lượng chuyên đề; số người tham gia và học hàm, học vị; kết quả nghiên cứu; số lần công bố trong và ngoài nước; số bằng sáng chế được cấp và cuối cùng là ứng dụng. Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học - kỹ thuật mà yếu tố quan trọng nhất là tính khả thi và lợi ích thực tiễn của nó lại bị xếp sau cùng. Chẳng một ai muốn đầu tư vào những nghiên cứu không chú trọng giá trị thực tiễn. Không có thống kê mỗi năm bao nhiêu đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước "đắp chiếu" sau khi nghiệm thu. Viện trưởng một viện nghiên cứu lâu năm từng khẳng định rằng, phần lớn những đề tài đơn vị thực hiện chỉ để có việc và thu nhập cho nhân viên, từ bảo vệ tới chủ nhiệm đề tài. Sẽ dễ có và nhiều tiền hơn nếu trong danh sách nhóm nghiên cứu có nhiều tiến sĩ, giáo sư nên nhiều vị cùng một lúc có mặt trong mấy đề tài liền, dù họ chẳng làm gì ngoài ký sổ lĩnh tiền. Không xuất phát từ nhu cầu thực tế; không khả thi là tình trạng phổ biến của các đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay.
Vậy ở các nước, vốn đầu tư cho nghiên cứu, phát minh có từ đâu? Xin thưa, từ các hợp đồng đặt hàng của tư nhân cũng như Nhà nước. Giá trị của hợp đồng tùy thuộc giá trị ứng dụng thực tế của nghiên cứu, phát minh, tức là lợi nhuận nó sẽ mang lại. Và nó cũng quyết định thu nhập, danh tiếng của người thực hiện và nơi sinh ra nó.
Ở nước ta, chuyện lại khác, các nhà khoa học, viện nghiên cứu tự nghĩ ra đề tài, trình duyệt rồi xin tiền và thực hiện. Hầu như không có đơn đặt hàng từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh…
Nông nghiệp chiếm 20% giá trị tổng sản phẩm cả nước và chúng ta có hàng chục viện nghiên cứu về nông nghiệp với đội ngũ hùng hậu các chuyên gia đủ học vị, học hàm mà rất nhiều vấn đề cấp bách của tam nông vẫn do nông dân đối mặt và tự giải quyết. Họ đã tự lo được nhiều việc mà các nhà khoa nông chỉ thành công trên giấy. Nhưng có những vấn đề họ không thể tự mày mò, bởi nó đòi hỏi kiến thức, phương tiện, đầu tư, những thứ chỉ các nhà khoa học, dựa vào tiềm lực của Nhà nước mới tìm ra được giải pháp, như dịch hại tôm, dịch bệnh gia súc, chế biến nông sản sau thu hoạch, những tai họa gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chỉ riêng thất thoát lúa do thu hoạch, bảo quản ở Đồng bằng sông Cửu Long là 10%, tương đương 2 triệu tấn mỗi năm. Giảm mỗi phần trăm thất thoát cũng đã là một nguồn vốn lớn cho khoa học…
Mỗi ngày, mỗi người tham gia một hội thảo khoa học được bồi dưỡng 70 nghìn đồng; người bảo ít, người bảo không thể đồng hạng. Không một ai đặt câu hỏi: Tại sao lại phải bồi dưỡng? Họ làm việc đã có lương; đi hội thảo có kinh phí công tác, vậy tại sao lại phải "bồi dưỡng"? Bỏ bồi dưỡng chắc chắn sẽ bỏ được rất nhiều hội thảo và khi đó chỉ những hội thảo thực sự cần thiết mới được tổ chức và chỉ những ai thực sự quan tâm mới tham gia. Tiền bồi dưỡng của hàng trăm hội thảo đủ để giúp hàng trăm gia đình nông dân vượt khó…
Vấn đề tài chính sẽ giải quyết được nếu phát minh là hàng hóa xã hội đang cần; nghiên cứu và tìm được giải pháp khả thi cho những vấn đề xã hội quan tâm. Vấn đề hiện tại của khoa học không chỉ ở tiền, mà ở chính lối làm ăn không khoa học, xa rời thực tiễn đang tồn tại hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.