(HNM) - Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, dù có khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp, nhưng lực lượng lao động phổ thông vẫn có thể tìm được việc làm thông qua các sàn giao dịch.
Đào tạo học viên tại Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đến thời điểm hiện nay có khoảng 5.743 tỷ đồng (trong đó, nguồn do trung ương quản lý là 4.286 tỷ đồng, địa phương là 1.457 tỷ đồng), hằng năm cho vay trên 100.000 dự án, với doanh số cho vay trên 2.000 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Chỉ tính riêng năm 2012, Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo việc làm cho khoảng 160.000 lao động. Đặc biệt, nguồn quỹ này đã tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người tàn tật, là người dân tộc, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.
Nhận định riêng về nhóm lao động có trình độ kỹ thuật cao, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, theo dự báo năm 2013, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn so với năm 2012 theo ba kịch bản (5%, 5,68% và 6,34%). Do vậy, thị trường lao động tiếp tục ổn định và phát triển theo hướng tích cực. Cơ cấu lao động chuyển dịch từ ngành nông, lâm, ngư nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại. Kết quả dự báo thị trường lao động năm 2013 cho thấy có sự thay đổi trong nhu cầu tuyển dụng lao động theo nghề so với năm trước. Những ngành có nhu cầu tuyển nhiều lao động trong năm 2013 là: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa. Nhóm ngành dịch vụ, thương mại cũng sẽ thu hút nhiều lao động ngành bán buôn (trừ ngành ô tô). Những nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2013 sẽ là: thợ xây, thợ mộc, thợ nề cùng nhóm nghề khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải. Ngoài ra, nhóm nghề kỹ thuật viên khoa học vật lý và kỹ thuật bậc trung như kỹ thuật viên điện, xây dựng, cơ khí; kỹ sư kỹ thuật xây dựng, cơ học cơ khí, công nghiệp chế biến, chế tạo… cũng được các nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều. Bà Vân cũng lưu ý, một số nhóm nghề khó khăn trong tuyển dụng chủ yếu là nhà chuyên môn bậc cao như kỹ sư khai thác mỏ, luyện kim và các ngành liên quan, kỹ sư hóa học, kỹ sư về công nghiệp chế biến, chế tạo...
Để bảo đảm NLĐ có việc làm, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng, Cục việc làm đề xuất, trong thời gian tới cần tăng cường công tác đào tạo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiện tại có sự mâu thuẫn giữa những nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng lại gặp khó khăn trong tuyển dụng là: thợ vận hành máy móc, thiết bị, thợ may, lao động có kỹ năng thị trường trong lâm nghiệp, thủy sản. Chính vì vậy, ngoài tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu giữa NLĐ và doanh nghiệp. Trước mắt, Cục Việc làm và Trung tâm quốc gia Dự báo và thông tin thị trường lao động đã và đang củng cố hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao năng lực Trung tâm Giới thiệu việc làm, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ việc làm đáp ứng nhu cầu của NLĐ. Đây sẽ là nơi gặp và trao đổi thông tin, tuyển dụng và tìm kiếm việc làm nhằm kết nối nhanh nhất, hữu hiệu nhất giữa NLĐ và nhà tuyển dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.