Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó thì... bỏ !?

Tuấn Kiệt| 09/12/2014 04:40

(HNM) - Mấy ngày nay, chuyện dịch vụ taxi Uber tiếp tục tạo ra tranh cãi. Đây là dịch vụ taxi kiểu mới, chí ít với Việt Nam. Song vì rất nhiều lý do, cánh cửa cho Uber đến lúc này vẫn chưa được mở.


Thực tế ở Việt Nam ứng dụng tiện lợi trong dịch vụ taxi sử dụng không chỉ có Uber, người Hà Nội đã khá quen thuộc với hai dịch vụ là Grab taxi và Easy taxi. Tuy có chút khác biệt với Uber, nhưng cái đồng nhất của những loại hình dịch vụ này ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo thuận lợi đáng kể cho người sử dụng. Thế nhưng các dịch vụ này đang vấp phải nhiều phản ứng khá gay gắt từ những người kinh doanh taxi truyền thống và một số nhà quản lý. Dĩ nhiên điều này không khó hiểu bởi những người kinh doanh taxi đang bị đụng vào hầu bao, còn những nhà quản lý thì dường như đã thành truyền thống thấy khó thì… bỏ.

Tuy nhiên người đứng đầu ngành giao thông - vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lên tiếng cho rằng cơ quan liên quan cần nghiên cứu chính sách hoạt động của taxi Uber, bỏ tư tưởng "không quản được thì cấm".

Hiểu đơn giản theo cách của người tiêu dùng, mà trong đó bao gồm cả những nhà quản lý, thì bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào chỉ cần đáp ứng hai tiêu chuẩn "rẻ" và "tiện lợi" thì chắc chắn có cơ hội để tồn tại. Ở Hà Nội hiện nay, dịch vụ Grab hay Easy hiện đã khá phổ biến và khách hàng đang được "cho không" khi đi cuốc xe ngắn. Niềm vui đến với nhiều người khi không phải trả tiền cho cuộc gọi điện thoại, không phải đứng đường chờ đón xe, bù lại với 2 - 3 thao tác đã yên tâm có được xe trong thời gian nhanh nhất, có thể chọn loại xe, chọn người lái và quan trọng hơn (ở thời điểm hiện tại) là giảm chi phí. Còn với lái xe? Có khi chở khách chưa đến 1km nhưng trả tiền cả "cuốc". Lợi cả đôi đường như thế tại sao lại cấm được?

Với một dịch vụ taxi rẻ hơn, tốt hơn cho người sử dụng và giảm đáng kể nguồn lực xã hội như vậy thì chẳng có lý do gì mà nó không thể tồn tại. Song cũng vì cái "chưa từng có" đó mà nhiều người lúng túng. Tuy nhiên, nếu chỉ vì sự mới mẻ hay vì khả năng quản lý mà tẩy chay những tiện ích này thì quả thật không ổn.

Cách tốt nhất là nên chấp nhận và điều chỉnh nó. Các hãng taxi truyền thống sẽ phải thay đổi tư duy, dám cạnh tranh. Các nhà quản lý chấp nhận cái mới thì những dịch vụ tiện ích mới có cơ hội tồn tại, phục vụ lợi ích xã hội. Nếu dịch vụ này chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, thì không ai khác chính các cơ quan quản lý, mà cụ thể là Bộ GTVT phải có trách nhiệm bổ sung để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý loại hình taxi này. Phải làm sao thuận cho quản lý nhưng không bỏ qua lợi ích của người dân. Nói như Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thì phải "bỏ tư tưởng không quản được thì cấm"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó thì... bỏ !?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.