(HNM) - TP Hồ Chí Minh hiện có hàng chục nghìn điểm bán thức ăn đường phố (TĂĐP). TĂĐP là nét đặc thù của thành phố với số đông người sử dụng do tính chất tiện lợi, giá rẻ. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của loại hình buôn bán này đang làm
Không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Khó có thể tìm ra một con đường nào ở TP Hồ Chí Minh không có TĂĐP. Ngay cả ở khu vực trung tâm vốn cấm bán hàng rong như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo… cũng hiện diện TĂĐP. Nhiều con đường có hẳn một khu tự phát bán thức ăn trên lề đường thu hút rất đông người ăn uống. Thậm chí, tại các cổng trường đặt biển "cấm bán hàng rong" nhưng vẫn tấp nập người bán, kẻ mua.
Nhiều điểm bán thức ăn trên đường phố không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, con số báo cáo từ các phường, xã trên địa bàn cho biết hiện các cơ quan này đang quản lý khoảng 33.000 điểm bán thức ăn. Đây cũng chỉ là con số tương đối bởi với đặc thù TĂĐP rất nhiều người bán bằng gánh hàng rong, xe đẩy nay nơi này mai nơi khác, rất khó để thống kê chính xác.
Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành y tế đã phối hợp kiểm tra 20.149 trên tổng số 28.277 cơ sở kinh doanh thức ăn do phường, xã quản lý. Trong đó, có hơn 12.000 cơ sở đạt các tiêu chuẩn để kinh doanh và gần 1.000 cơ sở có vi phạm. Các vi phạm phổ biến là môi trường sản xuất, kinh doanh không bảo đảm vệ sinh; sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm nguồn gốc, vệ sinh thiết bị, dụng cụ không bảo đảm…
Tình hình ngộ độc thực phẩm năm 2013 giảm nhiều so với những năm trước nhưng đến năm 2014 lại tăng cả số vụ và quy mô. Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2013 toàn thành phố xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng 172 người và không có vụ nào xảy ra tại trường học. Trong khi đó, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng 412 người, trong đó có một vụ xảy ra tại trường học. |
Giải pháp phải căn cơ,lộ trình phải hợp lý
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, các phường xã, quận huyện đã từng bước tiến hành tổ chức cho những người bán TĂĐP có điểm bán cố định đi tập huấn kiến thức ATVSTP và cấp giấy chứng nhận về ATVSTP. Từ tháng 10-2013, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình thí điểm quản lý TĂĐP tại phường 12 (quận 4) và phường Tân Thành (quận Tân Phú), tiến hành cấp phát các dụng cụ như thùng rác, tạp dề, khăn tay, khẩu trang, sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm… cho 190 điểm kinh doanh TĂĐP trên địa bàn hai phường này và giám sát định kỳ 100% về việc chấp hành các điều kiện ATVSTP. Hiện UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện thêm 2 phường điểm và khuyến khích các quận, huyện đăng ký thực hiện để từng bước quản lý TĂĐP. Tuy nhiên cũng theo bác sĩ Mai, việc xây dựng thí điểm thì thực hiện khá dễ dàng, nhưng việc duy trì và tiếp tục phát triển là rất khó.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, việc quản lý ATVSTP đối với TĂĐP là một "thực trạng nhức nhối", nhất là đối với một lượng lớn người kinh doanh dạng bán lưu động. Khó khăn trong công tác quản lý là 90% đối tượng bán hàng ăn uống thuộc phường, xã quản lý nhưng hiện chưa có cán bộ chuyên trách ATVSTP ở đây. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật pháp của các cơ sở TĂĐP rất hạn chế. Khi đã xử lý thì việc nộp phạt cũng "trần ai" bởi những người buôn bán TĂĐP thường từ các tỉnh, thành đến, ở trọ và luôn di chuyển, nếu trao giấy phạt thì họ chuyển chỗ bán, chỗ ở khiến việc thực thi xử phạt như "chim trời cá nước"!
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính ở cấp phường, xã thấp hơn cấp quận, huyện và thành phố cho thấy việc quản lý chưa tốt. Thực tế là không chỉ thiếu cán bộ chuyên trách, mà còn do những người buôn bán toàn là người quen nên lực lượng thực thi nhiệm vụ còn "dĩ hòa vi quý"; hoặc là người buôn gánh bán bưng nghèo quá nên rất khó phạt. Chính vì vậy nên giải pháp hiện tại vẫn nặng về truyền thông, khuyến khích.
Thực tế, với những người lao động nghèo, TĂĐP vừa rẻ vừa tiện đồng thời nó còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn người. Vì vậy việc quản lý phải cần có những giải pháp căn cơ và lộ trình hợp lý để vừa tạo việc làm cho người lao động nghèo vừa bảo đảm được sức khỏe cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.