Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó kiềm chế nạn loạn giá

Bạch Thanh| 20/03/2010 08:37

(HNM) - Đầu tháng 3, nhiều doanh nghiệp (DN) đồng loạt tăng giá sữa, gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm đau đầu cơ quan chức năng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa khẳng định, chỉ khi nào Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng sữa tươi, mối quan hệ giữa nông dân nuôi bò sữa, nhà máy chế biến thu mua, người tiêu dùng được thiết lập khăng khít… thì khi đó mới hết cảnh đội giá. Và nông dân mới có thể làm giàu từ nghề chăn nuôi bò sữa.

Chăm sóc bò sữa tại huyện Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt


Giá sữa tăng: Ai được lợi?
Ông Nguyễn Mạnh Khẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết, đến nay xã đã có đàn bò sữa gần 1.000 con. Cả xã có trên 3.000 hộ thì có 265 hộ nuôi bò, đóng góp 30%/thu nhập toàn xã. Theo tính toán của ngành chăn nuôi, chỉ cần diện tích đất bãi 20-30ha, các địa phương hoàn toàn có thể phát triển đàn bò sữa lên tới 1.000-2.000 con. Đây là hướng làm giàu hiệu quả của nông dân trong thời hội nhập, vừa bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững, chất lượng cao, vừa tạo được việc làm cho nông dân. Ở Hà Nội, diện tích các vùng đất bãi còn gần 10.000ha, do đó tiềm năng phát triển đàn bò sữa còn rất lớn. Bên cạnh đó, các điều kiện khác như cơ sở hạ tầng, nhà máy chế biến, thu mua sản phẩm thuận lợi… nên triển vọng nông dân giàu lên từ chăn nuôi bò sữa là hoàn toàn có thể.

Theo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội, hiện nay thành phố có tổng đàn bò sữa hơn 7.000 con, chủ yếu nuôi tập trung tại các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai... Hiện tại, các hộ chăn nuôi bò sữa đã không phải lo "đầu ra" bởi có 5 công ty chế biến sữa quy mô lớn (công suất 280 tấn/ngày) cam kết bảo đảm tiêu thụ hết lượng sữa bò cho nông dân, chưa kể hơn 100 cơ sở chế biến sữa khác quy mô nhỏ với công suất 5-7 tấn/ngày. Tuy nhiên, người chăn nuôi bò sữa vẫn quen kiểu lấy công làm lãi, số hộ nuôi dưới 10 con chiếm 85%. Việc nuôi bò theo kiểu phân tán, nhỏ lẻ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sữa mà còn làm tăng chi phí trong thu mua, vận chuyển, bảo quản. Thêm nữa, hiện chỉ có 5% số hộ tham gia các chi hội, HTX chăn nuôi bò sữa, do vậy việc ứng dụng đồng bộ công nghệ mới vào chăn nuôi gặp không ít trở ngại, chưa kể việc liên kết giữa người nuôi trong việc giúp nhau tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành…

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lượng sữa nguyên liệu (sữa tươi) tại các vùng nuôi bò sữa của cả nước mới đáp ứng được 28% nhu cầu, 72% lượng sữa vẫn phải nhập khẩu. Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây nên những cơn biến động về giá sữa trên thị trường trong nước. Giá sữa từ ngày 1-3 tăng giá từ 8-10%, trong khi đó, giá sữa nguyên liệu thu mua của nông dân vẫn "dậm chân tại chỗ". Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi nông dân được coi là thành viên của nhà máy, cùng tham gia quyết định giá sữa trên thị trường thì khi đó người nông dân mới có thể làm giàu từ nghề này.

Giải bài toán lợi nhuận
Hiện nay phương thức thu mua sữa giữa các công ty với người chăn nuôi chưa thật bình đẳng và rõ ràng, khiến người chăn nuôi luôn có cảm giác thiệt thòi. Tiêu chuẩn chất lượng sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao, nhưng vẫn có từ 20-50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng. Người chăn nuôi hoài nghi kết quả đánh giá sữa của họ vì nhà máy tự kiểm tra chất lượng không có sự chứng kiến của họ, nảy sinh "mâu thuẫn" giữa bên mua và bên bán. Do đó, người chăn nuôi nhỏ cần được tổ chức lại, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình cùng với nhà máy sản xuất ra sữa chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời nâng cao sự hiểu biết, đồng thuận giữa người chăn nuôi và nhà máy chế biến.

Hiện nay, lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa của Việt Nam vào loại thấp trên thế giới bởi giá thức ăn chăn nuôi nhiều biến động, giá bò giống, công lao động và mọi chi phí khác đều tăng cao. Thời gian khai thác ngắn, bò bị thải loại sớm do bệnh tật… 3 tháng đầu năm 2010, nhà máy chế biến mua sữa tươi với giá từ 8.000 đồng - 9.200 đồng/lít sau khi xử lý tiệt trùng giá bán 20.000 đồng đến 22.000 đồng/lít, có thể thấy tỷ suất lợi nhuận của khâu chế biến cao hơn nhiều so với người chăn nuôi.

Ông Đỗ Kim Tuyến (Cục Chăn nuôi) cho rằng, cần phải trích một phần nhỏ lợi nhuận của các công ty sản xuất thức ăn tinh, công ty chế biến sữa để hỗ trợ lại người chăn nuôi dưới hình thức trợ giá sản phẩm và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhà nước cũng cần giảm thuế hay trích một phần thuế từ các công ty chế biến thức ăn và công ty chế biến sữa hằng năm để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nuôi bò sữa. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần nhận thức rằng chăn nuôi bò sữa không phải nuôi để tận dụng nguồn thức ăn mà phải là kinh doanh thực thụ, biết đầu tư công nghệ để tăng năng suất cũng như chất lượng sữa. Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, DN, hộ nông dân trong phát triển chăn nuôi bò sữa gắn với tiêu thụ là hướng đi đúng để giảm bớt nạn loạn giá sữa như những năm vừa qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó kiềm chế nạn loạn giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.