(HNM) - Mỗi ngày, 17 huyện ngoại thành Hà Nội phát sinh khoảng 2.200 tấn rác sinh hoạt. Để xử lý khối lượng rác này, gần 100% số xã trên địa bàn thành phố đã thành lập tổ vệ sinh môi trường.
Tình trạng tập kết rác bừa bãi vẫn xảy ra ở khu vực ngoại thành. |
Theo quy định của thành phố, người sử dụng dịch vụ vệ sinh môi trường khu vực nông thôn phải nộp mức phí là 3.000 đồng/ người/tháng. Các xã ủy quyền cho tổ vệ sinh thu phí môi trường của nhân dân theo mức giá quy định để trang trải chi phí lương, bảo hộ lao động, đầu tư, sửa chữa dụng cụ, phương tiện sản xuất… Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nộp phí vệ sinh môi trường năm 2016 của 17 huyện trên địa bàn thành phố chỉ đạt trung bình 50-70%, cao nhất là 90%. Tại nhiều xã thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức… thu phí dưới mức quy định từ 1.000 đến 2.000 đồng.
Theo giải thích của nhiều huyện, nguyên nhân là do thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, nhiều hộ già cả neo đơn không có điều kiện nộp phí, nhiều hộ thường xuyên đi làm xa vắng mặt tại địa phương… Các vệ sinh viên thì cho rằng nguyên nhân là do chính quyền cơ sở “khoán trắng” việc thu phí cho họ nên nhiều người dân viện lý do nhà không có rác, tự chôn lấp rác ngoài vườn, đồng ruộng nên không nộp tiền… Ngoài ra, nhiều huyện, xã chưa đưa việc nộp phí vào chỉ tiêu bình xét, thôn, xã, gia đình văn hóa hoặc xét thi đua. Với các hộ không nộp phí thì cũng chưa có chế tài xử phạt nên chưa động viên được người dân chấp hành.
Do không thu đúng, thu đủ nên thù lao của nhiều vệ sinh viên đạt thấp (trung bình 3 triệu đồng/người/tháng). Thực tế này khiến các tổ vệ sinh không có kinh phí đầu tư, mua sắm phương tiện sản xuất, nộp bảo hiểm y tế, xã hội và vệ sinh viên không tận tâm, gắn bó với công việc vốn độc hại này.
Theo đánh giá của doanh nghiệp môi trường, chất lượng lao động của các tổ vệ sinh xã, thôn hiện nay rất thấp: Thời gian, tần suất vận chuyển rác từ khu dân cư ra điểm tập kết thường không tuân thủ đúng lịch phối hợp; xe thu gom không đạt tiêu chuẩn; rác không được phân loại… Hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch vận chuyển, xử lý rác của doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác tồn đọng trong khu dân cư, điểm tập kết...
Năm 2017, TP Hà Nội quyết định giao các huyện ký hợp đồng với doanh nghiệp môi trường thực hiện việc duy trì vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ khu dân cư về khu xử lý tập trung theo hướng cơ giới hóa. Cấp huyện, xã chịu trách nhiệm tổ chức thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường của các cơ quan, đơn vị, trường học, nhân dân đúng mức quy định của thành phố… Trên cơ sở dữ liệu dân cư, thành phố giao 30 quận, huyện, thị xã thu 423,084 tỷ đồng giá dịch vụ vệ sinh môi trường năm 2017.
Tuy vậy, vướng mắc lớn nhất đối với các địa phương hiện nay là làm thế nào để giải quyết việc làm cho toàn bộ khoảng 5.000 vệ sinh viên sau khi bàn giao công việc thu gom, vận chuyển rác thải từ khu dân cư cho doanh nghiệp môi trường. Một số địa phương trước đây thu phí vệ sinh ở mức từ 1.000 đến 2.000 đồng/người/ tháng còn lúng túng trong vận động, tuyên truyền nhân dân nộp phí dịch vụ vệ sinh theo mức giá quy định hiện nay (3.000 đồng)… Những vướng mắc trên cần được địa phương phối hợp với ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ.
Để nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển rác thải theo chủ trương của thành phố, góp phần bảo vệ môi trường, các huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, từng bước hình thành thói quen phân loại rác trước khi đưa đến nơi tập kết. Các địa phương cần xác định việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường là một trong những nhiệm vụ chỉ đạo trong xây dựng nông thôn mới. Hộ nào không chấp hành sẽ nhắc nhở hoặc có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.