Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn trong phổ biến công nghệ tự phối trộn thức ăn chăn nuôi

Quỳnh Dung| 24/12/2012 08:34

(HNM) - Để giảm chi phí đầu vào, người chăn nuôi Hà Nội đang sử dụng công nghệ thức ăn tự phối trộn và bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, nông dân đang gặp khó khăn cả về vốn lẫn tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng đại trà.


Những năm gần đây, sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi công nghiệp phát triển mạnh, nhiều cơ sở sản xuất thức ăn cho lợn như Cargill, CP, Con cò… đã khẳng định được chất lượng sản phẩm nhưng giá thành là cả vấn đề trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, các trung tâm (TT) chăn nuôi quy mô lớn đang tự sản xuất thức ăn nhằm giảm giá thành phẩm. Mặc dù hiệu quả của việc này rất cao, giá rẻ hơn 800-1.000 đồng/kg so với thức ăn công nghiệp, lại kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào… nhưng vấn đề là người chăn nuôi phải đầu tư mua máy, dự trữ nguyên liệu… chưa kể việc thiếu kinh nghiệm trong phối trộn sản xuất thức ăn cho lợn và lợn mẹ.

Phó trưởng Khoa Chăn nuôi thủy sản (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) Bùi Hữu Đoàn cho biết, sử dụng công nghệ thức ăn tự phối trộn có nhiều ưu điểm, nhưng nếu nông dân không có kiến thức về kỹ thuật, nguyên liệu đầu vào mua về không sử dụng hết, bị mối mọt thì tác hại gây ra còn lớn hơn so với thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, giá mua một máy trộn thức ăn rẻ nhất là 40 triệu đồng, loại đạt chuẩn trên 100 triệu đồng, không phải ai cũng có điều kiện để mua. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Cường - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hùng Cường ở huyện Ứng Hòa (hiện đang nuôi 500 lợn nái và 7.000-8.000 lợn thịt), khó khăn lớn nhất đối với các hộ chăn nuôi khi sử dụng thức ăn tự phối trộn là việc nông dân chưa có kinh nghiệm kiểm soát nguyên liệu đầu vào, nhất là về độ ẩm, nên thức ăn dễ bị hỏng, ảnh hưởng xấu tới vật nuôi.

Các hộ chăn nuôi đều cho rằng, để áp dụng đại trà công nghệ này cho các TT chăn nuôi lớn ở Hà Nội, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước nhất là về vốn. Hiện nay nhiều TT mới chỉ sử dụng 40% thức ăn cho lợn từ phối trộn vì tiền điện rất lớn (khoảng 7 triệu đồng/ngày), ảnh hưởng tới giá thành thương phẩm. Ông Cao Văn Hữu ở Hòa Xá (Ứng Hòa) cho biết, ngoài các chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần hướng dẫn quy trình sản xuất tự phối trộn thức ăn cho các hộ chăn nuôi. Hiện nay, người chăn nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và học của nhau nên chất lượng nhiều lúc chưa bảo đảm. Thực tế, công nghệ mới là tốt song nếu áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật thì sản phẩm không những không rẻ hơn thức ăn công nghiệp mà còn gây tác hại tới vật nuôi. Còn ông Nguyễn Trọng Long, hộ chăn nuôi ở Thanh Oai thì cho rằng, Nhà nước cần phải có phòng thí nghiệm nhanh phục vụ các hộ dân có nhu cầu kiểm   tra mức độ dinh dưỡng trong sản phẩm thức ăn tự phối trộn để tránh bị nấm và mốc...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, công nghệ sử dụng thức ăn tự phối trộn cần nhân rộng nhưng không đơn giản vì liên quan đến nhiều vấn đề vượt quá khả năng của người chăn nuôi. Do đó, thời gian tới TT Phát triển chăn nuôi Hà Nội cần đánh giá kết quả mô hình thí điểm để xây dựng thành quy trình, nhằm phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Để bảo đảm sản phẩm đủ chất lượng, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên liên kết với HTX hoặc các TT lớn nhằm tập trung vốn vào ứng dụng trong công nghệ bảo quản, nâng cao khả năng cạnh tranh với thức ăn trộn sẵn của các doanh nghiệp nước ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong phổ biến công nghệ tự phối trộn thức ăn chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.