Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn bủa vây ngành thủy sản

Đặng Loan| 16/06/2013 06:23

(HNM) - Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 2,6% so với cùng kỳ. Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm sẽ cực kỳ khó khăn


Dây chuyền sản xuất tôm đông lạnh của Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận).
Ảnh: Danh Lam



Đồng loạt sụt giảm

Ngành thủy sản liên tục gặp rất nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Năm 2012, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 6,1 tỷ USD so với chỉ tiêu đề ra là 6,5 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 2,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,28 tỷ USD. Trong 3 nhóm hàng, chỉ có tôm tăng 4,2% về kim ngạch; hai nhóm còn lại, cá tra giảm 6,7%; nhóm thủy sản khác giảm đến 21% so với cùng kỳ. Hầu hết thị trường xuất khẩu đều sụt giảm mạnh. Trong đó, thị trường Nga giảm mạnh nhất với hơn 53%, Hàn Quốc giảm gần 21% và EU giảm 10%.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khó khăn lớn nhất của ngành tôm hiện nay không chỉ là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu mà còn do áp lực của rào cản thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá tra của Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn đang tiếp diễn và bước vào đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (với vụ kiện tôm) và lần thứ 9 (với vụ kiện cá tra). Hoa Kỳ là thị trường đứng đầu về nhập khẩu tôm và thứ hai về nhập khẩu cá tra của Việt Nam, kết quả sơ bộ cho phép áp thuế chống trợ cấp với mặt hàng tôm hơn 6% mà DOC mới thông báo đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, chiến lược và lợi ích của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam. Sau Hoa Kỳ, thị trường đứng thứ hai về xuất khẩu tôm của Việt Nam là Nhật Bản cũng tiếp tục gặp khó khăn. Năm 2012, nước này dựng lên rào cản kỹ thuật liên quan đến ethoxyquin, một chất chống oxy hóa có trong thức ăn chăn nuôi và hiện đang kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Tiếp theo ethoxyquin là chỉ tiêu trifluralin - một hóa chất diệt tảo, cũng là một rào cản lớn.

Thu hoạch cá tra tại An Giang.Ảnh: Chí Lâm



Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, một trong 9 DN đang nhập khẩu cá tra vào Mỹ, cũng cho biết thị trường này đang diễn biến phức tạp. Indonesia đã không được DOC chọn làm quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam mà chọn Bangladesh, Ấn Độ và Philippiness. Theo bà Lệ Khanh, nếu DOC chọn Philippiness làm quốc gia thay thế thì mức thuế còn cao hơn cả Indonesia.

Nhiều thủ tục không cần thiết

Ngoài các khó khăn trên, nhiều DN cho biết còn bị "làm khó" bởi những quy định hành chính của cơ quan quản lý trong nước. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, những thủ tục hành chính khiến các DN mất rất nhiều thời gian, mà mất thời gian là mất tiền. Để xuất khẩu lô hàng, DN phải loay hoay với rất nhiều thủ tục, trong đó có những thủ tục không thật sự cần thiết. Một trong những thủ tục DN "kêu" nhiều nhất là quy định kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu như một điều kiện để cấp chứng thư xuất khẩu. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên quản lý quá trình sản xuất của DN chứ không phải quản lý sản phẩm xuất khẩu. Lý do là trong quá trình sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm nên việc kiểm nghiệm lần nữa để cấp chứng thư cho lô hàng xuất khẩu là không cần thiết. Mặt khác, các nước nhập khẩu, dù khắt khe như EU, cũng chỉ dựa vào danh sách các nhà chế biến được nhập khẩu vào các nước này chứ không dựa vào việc lấy mẫu lô hàng để cấp chứng thư.

Bên cạnh đó, ông Trịnh Bá Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Thương mại thủy sản (Incomfish) cho biết, với tình trạng thiếu nguyên liệu hiện nay, các DN phải nhập khẩu rất nhiều. Trước đây, khi hải quan đã cho thông quan thì DN được phép đưa hàng về kho chờ giấy phép của cơ quan thú y, trong thời gian chưa có giấy phép của cơ quan thú y thì chưa được sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay DN không được phép đưa hàng về kho nữa mà phải nằm cảng chờ cơ quan thú y. Điều này khiến DN tốn kém thêm vì chi phí lưu kho bãi rất lớn, chưa kể chất lượng sản phẩm khi ở trong kho luôn an toàn hơn phải lưu tại bãi.

Theo các DN, với những khó khăn "bủa vây" trong ngoài như vậy, DN phải tốn nhiều thời gian, chi phí, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Dù VASEP đang cùng các cơ quan liên quan và DN nỗ lực tìm giải pháp vượt qua các rào cản này nhưng việc đạt chỉ tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2013 được dự báo là vô cùng khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn bủa vây ngành thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.