(HNM) - “Do việc chấm điểm của môn khiêu vũ thể thao mang nhiều yếu tố cảm tính, nên để bảo đảm hoàn thành tốt chỉ tiêu huy chương, các vận động viên phải đầu tư nhiều cho các bài biểu diễn, bảo đảm tính vượt trội về kỹ thuật và nghệ thuật để thuyết phục các trọng tài”, phụ trách Bộ môn khiêu vũ thể thao, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Phương Lan chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.
- Nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn là đơn vị thuộc nhóm dẫn đầu cả nước ở môn khiêu vũ thể thao. Năm 2022, chúng ta tiếp tục khẳng định vị thế với mục tiêu cụ thể thế nào, thưa bà?
- Chúng tôi phấn đấu giành Huy chương vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31); đồng thời, bảo vệ thành công ngôi Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022.
Đối với SEA Games 31, Hà Nội hiện có 2 đôi chính thức nằm trong đội tuyển quốc gia; trong đó, đôi Vũ Hoàng Anh Minh - Nguyễn Trường Xuân từng giành Huy chương bạc, đôi Nguyễn Trung Kiên - Phạm Hồng Anh giành Huy chương đồng ở SEA Games 30-2019. Môn này tại SEA Games 31 có 12 bộ huy chương, chúng ta có lợi thế là sự ủng hộ của khán giả nhà, nên mục tiêu giành từ 1 đến 2 Huy chương vàng của Hà Nội là phù hợp. Tuy nhiên, do đây là môn nặng yếu tố cảm tính, nên nếu các bài thi trình độ “sàn sàn nhau”, thì cơ hội giành Huy chương vàng sẽ lệ thuộc vào cảm nhận riêng của từng trọng tài. Vì vậy, chúng ta phải có những bài thi vượt trội về kỹ thuật và nghệ thuật, đạt được sự nhuần nhuyễn tối đa trong phối hợp biểu diễn, nhằm thuyết phục các trọng tài. Đây là nhiệm vụ không dễ, trong bối cảnh Thái Lan, Philippines đã và đang phát triển rất mạnh môn này.
Còn ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, nhiệm vụ bảo vệ ngôi Nhất toàn đoàn của khiêu vũ thể thao Hà Nội sẽ gặp phải thách thức lớn, do một số địa phương rất quyết liệt trong việc “mua quân” kiểu “ngắt ngọn”, thay vì làm tốt khâu đào tạo. Không ít vận động viên giỏi của Hà Nội “bị quấy rối” bởi các tin nhắn mời đầu quân cho địa phương khác, may là các em có sự gắn bó chặt chẽ, có niềm tự hào với thương hiệu khiêu vũ thể thao Hà Nội và do Thủ đô Hà Nội luôn làm tốt công tác đào tạo các lứa vận động viên khác nhau.
- Bà có thể chia sẻ đôi điều về lực lượng vận động viên các tuyến của Hà Nội hiện nay?
- Tuyến 1 của chúng tôi hiện có 16 em; tuyến 2 trẻ hơn, gồm 20 em. Các em có trình độ tương đối đồng đều, được đầu tư bài bản, đa phần đều từng giành huy chương các giải vô địch trẻ quốc gia (tuyến 2) hoặc thuộc tốp 5 - nhóm tranh huy chương của các giải vô địch quốc gia (tuyến 1).
Hà Nội thường tổ chức cho vận động viên đi tập huấn nước ngoài để nâng cao trình độ, nhưng 2 năm qua, việc này bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm nay, giải pháp trước mắt là phải tăng cường tập online, mời giáo viên nước ngoài hướng dẫn, nhưng tính hiệu quả cũng còn hạn chế, nhất là với những động tác kỹ thuật khó, cần sự hướng dẫn trực tiếp.
- Việc mời chuyên gia nước ngoài huấn luyện môn khiêu vũ thể thao cũng không hề đơn giản, thưa bà?
- Trở ngại lớn nhất là kinh phí mời chuyên gia nước ngoài rất cao, tùy theo tên tuổi, uy tín mà giá thường dao động từ 100 USD đến 200 USD cho một tiết dạy 45 phút. Trong khi đó, kinh phí trả cho chuyên gia nhiều môn thể thao khác thường vào khoảng 2.500 USD/tháng.
Vì vậy, cách làm của Hà Nội là phải phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên khi mời chuyên gia, trong đó, các vận động viên, xuất phát từ nhu cầu tự thân, với sự đầu tư của gia đình về kinh phí, đăng ký nguyện vọng, đề xuất số tiết được huấn luyện. Các nhà quản lý sẽ mời chuyên gia giỏi, kinh phí nhà nước chủ yếu hỗ trợ tiền vé máy bay, ăn, ở… theo quy định. Đa phần chỉ mời chuyên gia trong khoảng 10 ngày với thời lượng khoảng 50 tiết cho một đợt huấn luyện. Điều quan trọng, gia đình của nhiều vận động viên ở Hà Nội sẵn sàng đầu tư cho việc này, vì họ đến với môn này trước tiên bằng niềm đam mê; đồng thời cho rằng đây là kỹ năng sống vô cùng cần thiết để giúp các em hội nhập quốc tế, nhất là về sau này khi các em có điều kiện đi du học.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.