(HNM) - Theo số liệu Thanh tra Chính phủ công bố cuối tháng 7 vừa qua, những tháng đầu năm 2018, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư có nhiều chuyển biến với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Song, khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục phát sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp chủ yếu trong quá trình giải phóng mặt bằng một số dự án phát triển giao thông, đô thị; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp…
Một buổi tiếp dân tại Ban Tiếp công dân trung ương. |
Khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai
Theo Ban Tiếp công dân trung ương, những tháng đầu năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong phạm vi cả nước cũng như tại trụ sở Tiếp công dân trung ương có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong thời gian diễn ra Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và kỳ họp Quốc hội. Đáng nói, phía trước trụ sở Tiếp công dân trung ương tại Hà Nội, một số công dân khiếu kiện đơn lẻ, dựng lều lán ở khu vực vỉa hè hai bên cổng để ở và đun nấu, ăn uống, gây mất mỹ quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban Tiếp công dân trung ương đã phối hợp với chính quyền các địa phương có người dân khiếu nại, tố cáo tiếp 8.333 lượt người đến trình bày 2.407 vụ việc. Nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng (chiếm 49,3%); án tư pháp (16,6%); hành chính (13,8%); tham nhũng (1,2%)... Qua xử lý đã phát hành 1.881 văn bản hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo và 276 văn bản chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Cũng trong thời gian này, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 199.263 lượt công dân (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2017); xử lý 86.958 đơn đủ điều kiện (giảm 2,3%); giải quyết 12.332/17.246 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 71,5%.
Tại Hà Nội, toàn thành phố tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 2.131 vụ (gồm 1.500 vụ khiếu nại, 631 vụ tố cáo). Trong đó, đã giải quyết 1.800 vụ (gồm 1.257 vụ khiếu nại, 543 vụ tố cáo), đạt tỷ lệ 84,46%. Số vụ còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều đáng chú ý là qua thống kê cho thấy, tỷ lệ khiếu nại đúng chỉ là 48 vụ (3,81%), khiếu nại sai 920 vụ (73,20%), khiếu nại có đúng có sai 123 vụ (9,78%). Đặc biệt, tỷ lệ rút đơn khiếu nại, hòa giải thành công là 166 vụ (chiếm 13,21% tổng số vụ khiếu nại), cho thấy công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, giải quyết điểm nóng từ cơ sở đang được triển khai khá tốt.
Trái lại, tại Lai Châu, khiếu nại, tố cáo có xu hướng gia tăng về số lượng đơn thư gửi đến các cơ quan hành chính nhà nước, số lượng đoàn khiếu kiện đông người, do nhận thức của người dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Ông Nguyễn Thanh Trì, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu cho biết, nội dung chủ yếu là khiếu nại các văn bản của các cơ quan hành chính như: Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động của Sở Y tế; cán bộ địa chính xã Thu Lũm, huyện Mường Tè lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản; bồi thường hỗ trợ tái định cư thủy điện Huội Quảng - Bản Chát…
Cần sự cầu thị, đối thoại
Trực tiếp xem xét và xử lý đơn thư nhiều vụ việc, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân trung ương cho rằng, trước mỗi kỳ tiếp công dân, các địa phương đều thông báo rõ thời gian, địa điểm, lịch tiếp qua phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở tiếp công dân các quận, huyện, thị xã để cử tri, nhân dân biết. Song, có nơi còn “khoán trắng” việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cơ quan thanh tra và cấp dưới. Nhiều cán bộ giải quyết việc của người dân còn thiếu sự cầu thị, đối thoại. Không ít vụ việc địa phương báo cáo đã giải quyết xong nhưng khi Thanh tra Chính phủ kiểm tra lại vẫn phát hiện sai sót. Cũng có vụ việc giải quyết xong nhưng công tác tuyên truyền không tốt nên người dân không đồng thuận.
Tại Lai Châu, vẫn còn những vụ việc khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai nhưng giải quyết chưa bảo đảm trình tự thủ tục nên công dân tiếp tục khiếu kiện. Ngay tại Hà Nội, báo cáo của UBND thành phố cho thấy, có vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm, sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ… dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Đây cũng là hạn chế chung của nhiều địa phương, đặc biệt là cấp xã.
Ngoài yếu tố con người, khó khăn ảnh hưởng đến kết quả công tác tiếp dân và xử lý đơn thư còn là thể chế. Phản ánh của các địa phương cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về đất đai thiếu sự đồng bộ, chưa phù hợp thực tế lại thay đổi thường xuyên nên việc nắm bắt để trả lời công dân gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đưa vào sử dụng bước đầu thuận tiện cho công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo song đến nay, toàn quốc mới có 76 đơn vị triển khai. Vì vậy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã giao Ban Tiếp công dân trung ương chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện, kết nối hệ thống dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo trong cả nước; tăng cường công tác theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Chính phủ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước, chỉ ra những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài, đặc biệt là các quy định về thu hồi đất, giá đất, đền bù, tái định cư. Trong đó, đích đến là quá trình thu hồi đất phải bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.