Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi trạm y tế chuyển mình

Thu Trang| 21/04/2019 06:27

(HNM) - Trạm y tế là cơ sở y tế gần dân nhất, có thể phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những bệnh đơn giản. Thế nhưng, lâu nay, người dân thường không tin tưởng vào trạm y tế vì chất lượng dịch vụ, trình độ của cán bộ y tế ở đây chưa cao.


Chăm sóc sức khỏe người bệnh tại Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng).


Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh

Để đổi mới hoạt động của trạm y tế, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố triển khai mô hình trạm y tế điểm. Riêng tại Hà Nội, 4 trạm y tế thuộc phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), xã Minh Châu (huyện Ba Vì) được lựa chọn. Các trạm y tế này đã được nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thêm trang thiết bị, nguồn nhân lực...

Có mặt tại Trạm Y tế xã Tân Hội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây được xây dựng khá khang trang, hiện đại, tiếp nhận rất đông bệnh nhân. Khối nhà chính của trạm y tế được thiết kế với 23 phòng chức năng, trang bị đầy đủ các thiết bị sơ cấp cứu ban đầu và khám, chữa bệnh như: Máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, đường huyết...

Sau 7 tháng triển khai mô hình trạm y tế điểm, số bệnh nhân tại đây đã tăng gấp 2-3 lần, đạt 50 - 60 lượt người/ngày. Trong quý I-2019, tại đây đã tiếp nhận khám, chữa bệnh cho gần 4.000 lượt bệnh nhân. Đặc biệt, trạm y tế này đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 19.488 người (đạt tỷ lệ 97% dân số trên địa bàn) với tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%.

Bà Nguyễn Thị Chinh (70 tuổi), ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng chia sẻ: "Tôi bị tăng huyết áp từ nhiều năm nay. Trước đây, tôi thường không muốn đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế, vì lo ngại về trình độ y, bác sĩ cũng như cơ sở vật chất ở đây không tốt. Thế nhưng, từ khi trạm y tế xã được đầu tư, lại có các bác sĩ trung ương về hỗ trợ chuyên môn, tôi thấy yên tâm khi đến đây khám bệnh, nghe tư vấn và được cấp phát thuốc. Đặc biệt, tôi không phải xếp hàng từ sáng sớm như đi khám tại bệnh viện tuyến trên và từ nhà đến trạm y tế chỉ khoảng 1km, nên không phải phiền đến con cháu"...

Hiện tại, Trạm Y tế xã Tân Hội có 11 nhân viên y tế. Từ tháng 11-2018, Trạm được các bác sĩ tuyến trung ương và thành phố Hà Nội về hỗ trợ chuyên môn. Hằng tuần, Bệnh viện E, Bệnh viện Châm cứu trung ương đều cử bác sĩ về trạm khám bệnh. Bệnh viện Tim Hà Nội cũng về khám sàng lọc tăng huyết áp cho bệnh nhân và chuyển giao kỹ thuật cho y, bác sĩ. Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng cử 4 bác sĩ chuyên khoa: Tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền, sản phụ khoa về tăng cường tại trạm 2 buổi/tuần.

Bà Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên, nhân viên y tế tại trạm không chỉ được đào tạo, chuyển giao chuyên môn về khám, chữa bệnh, mà còn học cả cách giao tiếp với bệnh nhân…

Tương tự, Trạm Y tế phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cũng đã nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Châm cứu trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Bệnh viện Tim Hà Nội…, từ đó nâng cao được năng lực khám, chữa bệnh.

Theo bà Trần Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ, nhiều người dân phấn khởi khi đến trạm y tế được các bác sĩ của bệnh viện tuyến trung ương, thành phố trực tiếp khám bệnh. Bên cạnh đó, họ cũng nhận thấy rõ lợi ích của công tác quản lý bệnh không lây nhiễm theo mô hình bác sĩ gia đình. Khi mệt mỏi, người dân có thể ra ngay trạm y tế thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh sớm, mà không phải chờ đợi như đến các bệnh viện tuyến trên.

Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng

Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế Hà Nội, sau khi triển khai mô hình điểm, 4 trạm y tế trên địa bàn Thủ đô đã thu hút lượng bệnh nhân tăng từ 40% đến 50% so với trước. Thế nhưng, điều khó nhất hiện nay đối với các trạm y tế là nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực.

Bà Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội cho rằng, người bệnh thường xuyên vượt tuyến để khám, chữa bệnh do tuyến y tế cơ sở thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở vừa làm công tác dự phòng, vừa tham gia khám, chữa bệnh còn thấp. Do đó, các trạm y tế khó thu hút được bác sĩ về làm việc.

Khám, điều trị cho bệnh nhi tại Trạm Y tế phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Thái Hiền


Qua kiểm tra tại 4 trạm y tế điểm của Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận những kết quả bước đầu và nhấn mạnh, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80%-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám, điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mạn tính và những bệnh nhẹ, vừa giảm chi phí, vừa tránh được tình trạng bị bệnh nặng mới đi chữa trị.

Chính vì vậy, ngành Y tế phải quyết tâm nhân rộng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, với 6 nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng. Trong 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc. Để làm được điều đó, Sở Y tế các địa phương cần phải đưa nhân lực, nhất là các bác sĩ giỏi xuống trạm y tế.

“Ở miền Tây Nam Bộ, các trạm y tế đã mời và ký hợp đồng với các bác sĩ bệnh viện tuyến trên đã nghỉ hưu về làm việc. Đây là cách làm hay để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại trạm y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng hy vọng, trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng và thu hút ngày càng nhiều người dân đến khám, chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục cử các bác sĩ tuyến thành phố luân phiên về hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc” tại trạm y tế, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc tốt để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho các trạm y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi trạm y tế chuyển mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.