Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi rơm rạ là nguồn lợi, sẽ không ai đốt bỏ

Nhóm PV Ban Nông nghiệp| 16/06/2020 16:41

(HNMO) - Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, gây ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy, chỉ khi rơm rạ trở thành sản phẩm hữu ích, mang lại nguồn lợi kinh tế thì việc đốt bỏ rơm rạ mới chấm dứt triệt để.

Bà Phạm Thị Vân ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) mỗi năm thu gom 80-100 tấn rơm rạ để sản xuất nấm, góp phần giảm đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

Phần lớn rơm rạ bị bỏ lại trên đồng

Bà Nguyễn Thị Thỏa ở xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) cho biết: “Tôi cũng ý thức được việc đốt rơm rạ tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường, sức khỏe... nhưng vì không có nhu cầu sử dụng rơm rạ nên đốt để lấy tro bón ruộng”.

Việc đốt rơm rạ là thói quen cố hữu của nhiều nông dân ngoại thành. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, khoảng 30% người dân đốt bỏ ngay tại ruộng. Khói, bụi do đốt rơm rạ sinh ra nhiều khí CO (khí monoxide carbon) rất độc hại, có thể gây nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... và còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Để đẩy lùi tình trạng này, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới loại bỏ việc đốt rơm rạ. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ 40% kinh phí để người dân mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu (phủ rơm lên mặt luống khoai); Hội Nông dân các cấp triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ...

Tại huyện Đông Anh, từ năm 2016 đến năm 2020, người dân đã triển khai dự án thu gom rơm rạ sản xuất nấm; xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học... với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, các hộ sản xuất nấm trên địa bàn huyện chỉ thu gom được 4-5% lượng rơm phát sinh hằng năm. 

Tại huyện Ba Vì, lượng rơm rạ được các hộ chăn nuôi gia súc thu gom để ủ men làm thức ăn cho vật nuôi chiếm khoảng 50%, sản xuất nấm rơm 2%... Huyện Đan Phượng hỗ trợ nông dân chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân bón đạt khoảng 55%. Tại các địa phương khác như Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn..., lượng rơm sử dụng vào mục đích hữu ích rất ít, phần lớn bị bỏ lại trên đồng ruộng, kênh mương nội đồng...

Để rơm rạ mang lại nguồn lợi kinh tế

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, các chương trình, dự án hạn chế đốt rơm rạ được triển khai thời gian qua ở các địa phương mới chỉ dừng ở thí điểm mô hình, chưa thể nhân đại trà nên lượng rơm rạ tái sử dụng không nhiều. Để hướng tới mục tiêu “thành phố không đốt rơm rạ” vào cuối năm 2020, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và từng người dân chung sức thực hiện đồng bộ các giải pháp. 

Trước mắt, đề nghị thành phố khởi động lại chương trình hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm sinh học cho người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch; đồng thời, sớm ban hành chỉ thị cấm đốt rơm rạ; yêu cầu lãnh đạo UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện, lãnh đạo UBND cấp huyện chịu trách nhiệm với UBND thành phố khi trên địa bàn xảy ra tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị UBND thành phố đưa chỉ tiêu không đốt rơm rạ vào bình xét hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì đề xuất, thành phố có chính sách hỗ trợ các địa phương mua máy cuộn rơm; tạo cơ chế, chính sách mời gọi doanh nghiệp sản xuất giấy, viên đốt công nghiệp... để thu mua rơm rạ cho nông dân. “Chỉ khi rơm rạ trở thành sản phẩm hữu ích, người dân sẽ không đốt rơm rạ trên đồng ruộng nữa” - ông Nguyễn Văn Trường nói.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu để có nhiều hơn nữa ứng dụng với rơm rạ, theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, điều quan trọng nhất để xóa bỏ việc đốt rơm rạ chính là làm thay đổi nhận thức của nông dân. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về sự hữu ích của rơm rạ cùng tác hại của việc đốt rơm rạ để mỗi người hành động vì môi trường chung. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi rơm rạ là nguồn lợi, sẽ không ai đốt bỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.