(HNM) - Trong số báo hôm qua (8-9), tác giả Lê Nhật Huy có đặt câu hỏi trong bài viết
Mấy ngày qua, vụ việc Bộ Y tế nhập mấy triệu liều thuốc tamiflu "có vấn đề", qua đó 4 công ty hưởng lợi hoa hồng tới 6 triệu USD; hay vụ một công ty nhập về cơ man nào là rùa tai đỏ nguy hại (thậm chí có tin cho rằng loài này giờ đã có mặt ở hồ Gươm) đang khiến cho dư luận nóng rát.
Cũng mấy ngày qua, câu chuyện "xưa như trái đất" quanh những hộp sữa lại được xới lên. "Lách" Thông tư 122 của Bộ Tài chính, các nhà sản xuất, phân phối sữa đã đẩy giá sữa đi trước pháp luật. Theo quy định của thông tư nói trên, các loại sữa bột nhập khẩu cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải đăng ký và kê khai giá với cơ quan quản lý. Nhưng trớ trêu là chế tài này chỉ có hiệu lực từ ngày 1-10 tới, thế nên ngay từ đầu tháng 9 này một số hãng sữa nhập ngoại đã lập tức tăng giá thêm 10%.
Trong đó vẫn là những cái tên quen thuộc của nhiều lần "chạy" giá trước đây như Abbott, Anmum… Đáng nói hơn, sự tăng giá ấy đã rõ như ban ngày là vô cùng phi lý khi doanh nghiệp vin vào cớ Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 2%, hay giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng cao, dù sự thật là giá nguyên liệu trên thế giới thời gian qua không hề biến động. Và càng đáng bàn hơn khi nhà quản lý cũng biết rõ mười mươi sự vô lý ấy nhưng chẳng thể có biện pháp nào ngăn chặn, xử lý. Nhà quản lý tạo quy định, nhưng rồi họ lại bị "đập bằng chính chiếc gậy của mình", khi chính cái giới hạn ngày 1-10 kia đẩy họ vào thế bị động, hay nói đúng hơn là bất lực đứng nhìn doanh nghiệp "qua mặt". Trước thời điểm thông tư có hiệu lực, doanh nghiệp vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng giá "hợp pháp". Mà tiếc là sự việc không phải bây giờ mới xảy ra vì từ nhiều năm qua các cơ quan quản lý đã phải ban hành khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhưng bao năm qua giá sữa vẫn tăng ào ạt. Bây giờ, nhiều người kỳ vọng vào Thông tư 122 sẽ quản chặt hơn, nhưng xem ra hy vọng ấy cũng chẳng trọn khi "anh 122" bị "việt vị" ngay từ khi còn chưa có hiệu lực.
Ở một mảng khác là thị trường tân dược. Cũng qua rất nhiều năm mặt hàng này luôn ở tình trạng "nóng". Thuốc trôi nổi tràn lan, thuốc giả nhiều không kể hết, giá thuốc "leo thang" không có điểm dừng… Thị trường luôn luôn được nhắc đến với hai từ "bát nháo" và điệp khúc tăng giá thuốc đã quá quen với người dân và tốn biết bao giấy mực của báo chí. Vậy nhưng, công tác quản lý cũng gần như bất lực dù cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều chỉnh, nhiều cuộc thanh tra. Bởi các doanh nghiệp vẫn "phớt".
Rõ ràng các cơ chế và phương pháp quản lý của ta chưa đủ hiệu lực, chưa đủ sức răn đe. Rõ ràng, các biện pháp hành chính xem ra không phát huy được hiệu quả. Rõ ràng đã đến lúc cơ quan quản lý cần xem lại tính chủ động và trách nhiệm của mình. Không thể cứ "việt vị" mãi thế được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.